Sinh hoạt độc lập, chính thức thành lập năm 1982 tại Costa Mesa California Hoa Kỳ, không bị chế tài bởi bất cứ Hội Đoàn hay Đoàn thể nào
Thursday, June 11, 2015
TỪ SPARTA ĐẾN TROY: LẦN THEO DẤU VẾT ĐẠI MỸ NHÂN HELEN
MỐI TÌNH TAY BA OAN KHIÊN ĐẨM MÁU NHẤT NHÂN LOẠI
Khi chạm được tay vào viên gạch của cổ thành Troy (hiện nay là thị trấn Cannakkali, Thổ Nhĩ Kỳ) cũng là lúc tôi, một kẻ hậu sinh rất mê môn học lịch sử, cảm thấy đôi mắt mình cay xè trong một niềm xúc động vô biên !!! Tôi như đang quờ quạng đi ngược giòng lịch sử của 3200 năm bụi mờ...và.... trong những cơn gió thốc rít rất mạnh từ biển Aegean, trong cái nắng như lửa đốt muốn hoa cả mắt, tôi thấy dường như phía trước có bóng dáng nàng Helen trong thần thoại Hy Lạp, một đại mỹ nhân được ca tụng đẹp nhất thế gian... nàng thoắt ẩn, thoắt hiện mờ ảo ở phía trước... tiếng ngựa hí vang trời, tiếng binh khí va chạm nghe rợn óc, tiếng thét say máu lẫn kinh hoàng của hàng vạn binh sĩ.... đầu rơi... lửa cháy rực... một nền văn minh rực rỡ bỗng chốc bị lụi tàn dưới cơn thịnh nộ ngút ngàn của vị quân vương.... Ghen tuông – Ái tình tay ba oan trái - Nhan sắc mỹ nữ - Tráng sĩ anh tài – hoàng đế quyền uy...... Lịch sử và thần thoại đã hư hư thực thực quấn quyện vào nhau qua nhiều ngàn năm. Mãi đến hôm nay, tất cả vẫn còn đầy kỳ bí trên thành quách đổ nát hoang vu, rừng già xanh thẩm, gió rít rợn người từng cơn hay đó là tiếng than khóc của hàng vạn oan hồn vẫn đang nuối tiếc cho một đế đô ???....
Tôi đã lần theo dấu vết của hoàng hậu Helen, từ Sparta đến Myceanea (nay thuộc về Hy Lạp) đến Troy (nay nằm sâu trong Thổ Nhĩ Kỳ)....nghe cho đủ những câu chuyện thần thoại dân gian, đến tận nơi những cánh đồng khảo cổ rộng bạc ngàn từ Âu sang Á, lục tung những kệ sách của nhiều thư viện. Trong cả núi tài liệu cũ và mới, có rất nhiều tài liệu mà tình tiết được phóng tác đi quá xa so với cổ tích và thần thoại. Tôi phải rất cẩn thận để biết mình đang đi ngược về quá khứ đúng đường...và nay, sau ba năm mới dám tự tin vì đã có “đủ bụi”, ngồi kể lại chặng đường đi tìm nàng Helen và cuộc tình sử tay ba oan khiên bậc nhất của thế gian. Mối tình đã khiến cho máu đổ thành sông trong một cuộc chiến tranh giữa hai vương quốc kéo dài 10 năm, một nền văn minh từng rất rực rỡ đã bị hủy diệt cùng với hàng vạn sinh linh vô tội, thèm sống...
HOÀNG HẬU HELEN - ĐẠI MỸ NHÂN CỦA THÀNH SPARTA
Khi đến Hy Lạp, tôi đã có cơ hội đặt chân đến thị trấn Argolis, nằm chếch về hướng tây nam của thủ đô Athans, nơi mà cách đây 4000 năm từng là lãnh thổ của hai vương quốc tên Sparta và Mycenae. Theo các tài liệu lịch sử thì đây là hai vùng đất có cùng một nền văn minh rất khác biệt và xưa hơn cả nền văn minh Hy Lạp cổ đại (Accent Greek). Ngày nay nếu nói về văn hóa khởi thủy của hai vương quốc cổ xưa này, người ta thường gọi chung là văn hóa Mycenaean. Vua Agamemnon cai trị xứ Mycenae, trong khi đó vua Menelaus cai trị xứ Sparta. Hai ông vua này là hai anh em ruột. Tôi đã không tìm được tài liệu nào để biết chính xác vị nào là anh, vị nào là em. Hai anh em trai ruột thịt này rất thương và hỗ trợ nhau. Dường như vua Agomemnon có nhiều quyền hành, từng thay mặt Menelaus đem lễ vật đến cầu hôn mỹ nhân Helen. Khi Helen bỏ Sparta và chồng là Menelaus về thành Troy cùng hoàng tử Paris, Agomemnon lại giúp Menelaus cầm quân, đưa các chiến thuyền và một trăm ngàn binh sĩ thiện chiến đến nghiền nát thành Troy.
Tương truyền rằng Helen rất đẹp, nàng có thể làm tê dại và điếng hồn tất cả những ai đang diện kiến nàng. Khi song thân nàng kén rể, đã có nhiều vua chúa và hoàng tử các xứ lân cận đem lễ vật, tàu chiến, quân đội, đất đai đến dâng để được cầu hôn Helen. Tuy nhiên sính lễ cùng uy quyền của Menelaus đã chiếm được đệ nhất mỹ nhân. Helen trở thành hoàng hậu, vợ nhà vua Menelaus, và được dân chúng gọi là Helen của thành Sparta....
HELEN - ĐẠI MỸ NHÂN CỦA THÀNH TROY
Hoàng tử Paris của thành Troy được cử đến thành Sparta để thực hiện một sứ mệnh ngoại giao cùng một số nghi lễ giữa các vương triều. Theo nhiều câu chuyện thần thoại, hoàng tử Paris là một tráng sĩ rất khỏe mạnh, tài giỏi, từng rất si mê Helen. Paris đã từng đem sính lễ đến cầu hôn Helen trước đây, nhưng chàng đã không được toại nguyện. Khi Paris đến Sparta lần này, vị trí của Helen đã là một hoàng hậu, tuy vậy cặp trai tài - gái sắc đã phải lòng nhau. Họ cùng xuống tàu bỏ trốn, dong buồm hướng về thành Troy là quê hương của hoàng tử Paris. Các tài liệu tôi tìm kiếm có nhiều chi tiết trái ngược nhau. Nhiều tài liệu cho rằng, chính hoàng tử Paris đã cưỡng bức, bắt cóc nàng Helen; nhưng cũng có nhiều tài liệu khác cho rằng đại mỹ nhân của trần gian đã xiêu lòng trước vẻ đẹp tráng kiện, sáng quắc của hoàng tử Paris. Nàng đã đồng ý cùng chàng ra khơi, bỏ lại tất cả, từ vị quân vương Menelaus uy quyền khắp vùng - có nhiều chư hầu lân bang, cho đến ngôi vị hoàng hậu cùng cung vàng, điện ngọc.
Khi vua Menelaus trở về Sparta sau vài hôm vắng mặt, người vợ yêu quý đẹp nhất trần gian, đã biến mất. Nhà vua nổi cơn thịnh nộ ngút trời, kêu gọi khẩn cấp sự hậu thuẫn của vua Agamemnon, tức là người anh em ruột, cùng những tiểu vương khác quanh vùng. Như đã nói ở trên, hàng ngàn chiến thuyền và một trăm ngàn binh lính ngay sau đó đã vượt biển Aegean nhiều ngày đêm tiến vào Troy. Tuy nhiên Troy là một vương quốc rất hùng mạnh, có vua giỏi và nhiều tướng tài, binh sĩ của hai anh em Menelaus và Agamemnon không cách chi vào được thành, và cuộc chiến tranh ấy đã mòn mỏi kéo dài gần 10 năm với nhiều tổn thất nặng nề cho cả hai bên...
NGỰA GỖ THÀNH TROY
Trong một lần thách đấu kiếm, anh ruột của hoàng tử Paris là Hector đã bị một dũng tướng của vua Menelaus đâm chết. Một tướng tài của thành Troy đã mất đi. Sau đó chính Paris đã phải cầm quân ra trận mạc nhiều hơn, đã trả thù được cho anh mình bằng cách bắn mũi tên trúng vào gót chân kẻ đã hạ chết anh mình. Kiếm sĩ này sau đó đã chết vì vết thương làm độc (tên của kiếm sĩ này là Achillies, do đó sau này trong y khoa đã dùng tên ông ta để gọi tên cho điểm yếu huyệt ở gót chân là Achilles’ heel). Nhiều tài liệu cũng nói rằng hoàng tử Paris không có tài cán gì, ngoài mã bề ngoài đẹp trai vương giả sáng ngời ra, chàng hoàng tử hoàn toàn bất tài. Tuy nhiên cũng có vô vàn các trang cổ thư khác lại cho biết Paris là một dũng tướng rất giỏi về cung tên, đấu kiếm cũng như sức khỏe vượt xa một người bình thường. Hoàng tử Paris rất trân quý người đẹp Helen như một báu vật, luôn giữ rịt nàng bên mình, ngay cả khi ra trận, chàng cũng mang Helen theo sau trên mình ngựa. Đôi tình nhân dường như không rời nhau nửa bước...Trong một trận đánh, Paris bị thương, vết thương đã làm độc và chàng chết dần trong đau đớn... Helen đã điên dại gào khóc bên người tình...Sau đó Helen đã được một người em của Paris che chở. Có tài liệu nói rằng Helen lại lấy người em của Paris này làm chồng (thứ ba) của nàng.
Lại nói về phe của nhà vua Menelaus và bào đệ là Agamemnon sau đó đã dùng mưu lược dàn cảnh rút quân. Họ đã đóng một con ngựa gỗ to khổng lồ làm tặng vật cho thành Troy tế nữ thần Athena. Các kiếm sĩ tài giỏi và cả nhà vua Menelaus đã núp bên trong, khi ngựa gỗ được đưa vào thành, đúng nửa đêm các cảm tử quân này từng người nhảy ra, giết chết lính canh, mở cổng thành cho binh lính bên ngoài tràn vào. Phe của hai anh em quân vương say máu tàn sát tất cả những người đàn ông và các em bé trai bên trong kinh thành. Con của hoàng tử Hector (anh của Paris) cũng bị ném từ tường thành cao xuống.... máu đã đổ thành sông, đầu đã rơi hàng loạt, tiếng kêu khóc gào thét vang dội tứ bề giữa đêm sáng trăng.... một nền văn minh rực rỡ, sầm uất, tấp nập của thành Troy, sau 10 năm chống cự, trong thoáng chốc đã bị đốt cháy thành tro bụi... Theo các tài liệu cổ và truyền thuyết dân gian, nhà vua Menelaus khi gặp Helen đã vung kiếm lên muốn chém chết kẻ phản phúc, bội tình. Nhưng Helen đã kịp nhanh chóng trút bỏ xiêm y. Đệ nhất mỹ nhân bán lõa thể ngay trước mặt vị quân vương với một thân hình tuyệt mỹ. Cho dù đã là 10 năm xa cách, nàng vẫn là một mỹ nhân độc nhất vô nhị trong thiên hạ ... nhà vua đã run tay, hạ kiếm, ngửa mặt lên trời mà than:
“Sự đau đớn của ta chính là đây...những lưỡi gươm bén nhọn nhất ở sa trường cũng đành vô dụng, thúc thủ trước một mỹ nhân”
Vua Menelaus sau đó đã đưa Helen về Sparta, thành Troy bị đốt cháy, bỏ hoang. Trên đường về, vua Agamemnon lại bị ám sát. Cả hai phe đã tổn thất quá nặng nề. Phía nhà vua Menelaus mất đi người anh em ruột, những tướng tài, binh sĩ đã tan tác. Phía thành Troy thì từ vua Priam đến các quan, tướng và tôi đều bị tàn sát, một nền văn minh đã lụi tàn.
Tất cả chỉ vì nhan sắc của đại mỹ nhân Helen, người phụ nữ được thần thoại Hy Lạp và các trang cổ thư nhận xét là người đàn bà đẹp nhất thế gian !!!
Khi tìm hiểu về nàng Helen qua các tài liệu dịch ra Anh Ngữ, tôi nhận thấy luôn có hai xu hướng nhận định về mỹ nhân có một không hai của trần thế này. Không tài liệu nào phủ nhận nét đẹp ma mị của nàng, nhưng nói về tình cảm thật của nàng thì có rất nhiều sách bênh vực rằng nàng chỉ là nạn nhân, bị hoàng tử Paris bắt cóc và chiếm hữu. Cũng có nhiều sách khác cho rằng Helen và Paris có tư tình, họ đã đồng lòng trốn đi và chính đôi tình nhân – uyên ương này là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử cổ đại của nhân loại.
Tại thị trấn Cannakkale ngày nay có hai chú ngựa gỗ cho du khách có thể chụp hình lưu niệm. Chú ngựa gỗ trong phim Troy (do Brad Pitt và Orlando Bloom đóng vai chính, đạo diễn phim là Wolfgang Peterson) do hãng phim Warner Bros tặng cho thành phố sau khi họ hoàn tất bộ phim. Một chú ngựa gỗ khác được đặt ngay vị trí khảo cổ do chính quyền và bộ du lịch địa phương phục dựng. Người hướng dẫn viên và thuyết trình có cho biết, chính nhờ các bộ phim của Hollywood đã giúp đưa thêm nhiều du khách phương Tây đến đây. Ông cũng nói thêm, rằng du khách cần xem sách hơn xem phim, bởi vì các sản phẩm điện ảnh ngày nay hay thêm thắt quá nhiều chi tiết mới vào phim ảnh, khiến câu chuyện trở nên khác xa so với những truyền thuyết dân gian có từ ngàn xưa.
TÔI LẦN TÌM DẤU VẾT NÀNG HELEN TRONG 3 NĂM
Sau chuyến thăm Hy Lạp vào năm 2012, đến được khu vực khảo cổ trên đỉnh núi, nơi từng là nền móng lâu đài và kinh đô của văn hóa Mycenae, thăm mộ các ông vua Menelaus và Agamemnon..., tôi đã vô cùng xúc động, muốn viết ngay về chuyến đi, kể cho độc giả nghe những kỷ niệm và hạnh phúc của tôi khi được đứng tại vị trí của cổ thành hơn ba ngàn năm trước, nhất là về nàng Helen của Thành Sparta (Helen of Sparta). Tuy nhiên, ngày ấy càng viết thì tôi càng thấy kinh nghiệm thực tế cho bài viết vẫn còn thiếu đến 50%, tức là quãng đời sau của đại mỹ nhân: Helen của Thành Troy (Helen of Troy). Mà quãng đời sau của nàng, cùng cuộc tình oan trái tay ba giữa giai nhân – dũng sĩ – quân vương này là nguyên nhân của cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm kia mới có nhiều điều cần viết thêm. Là một học sinh từng mê mẩn môn học lịch sử, tôi không cho phép mình hấp tấp. Tôi thấy mình muốn viết thì cần phải đến tận nơi, chạm tận tay vào các phiến đá phủ dày bụi bặm, nhắm mắt đưa thần thức trở về... sống lại thời điểm của quá khứ ba mươi mấy thế kỷ trước....
Thế là tôi đành ngưng lại bài viết dang dở ấy trong năm 2012....
Mãi đến đầu năm 2015, tôi mới có cơ hội thu xếp, một mình bay qua thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), từ đây tôi tìm đường đi đến Troy. Các đồng nghiệp nghe tin tôi sẽ đi Istanbul lúc này đều can ngăn. Tình hình thời sự mỗi ngày trên truyền hình, báo chí đang cho thấy khu vực này luôn xảy ra những bất ổn chính trị. Nhóm khủng bố IS rất cực đoan, tàn ác, lợi dụng danh nghĩa Hồi Giáo đang hoạt động tại đây. Đã có màn bắt cóc con tin tại trung tâm thành phố Istanbul, chiến tranh thì đang xảy ra ở biên giới phía nam, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nhiều lời can ngăn tôi nên bỏ ý định đến Thổ Nhĩ Kỳ. Có hai người bạn rủ tôi đi ăn trưa chỉ nhằm thuyết phục tôi hơn hai tiếng đồng hồ rằng hãy ở nhà cho lành.... Tôi rất cảm động trước tình cảm bạn bè, đồng nghiệp dành cho tôi. Nhưng dường như có một tiếng gọi rất mơ hồ, xa xăm từ tiền kiếp thôi thúc ??? Rồi tôi cũng đến được Istanbul. Thành phố hiện ra với tôi kèm theo nhiều ngạc nhiên, thú vị. Tôi sẽ viết nhiều hơn trong một bài riêng biệt nói về văn hóa, sinh hoạt và cuộc sống, kể cả “không khí như đang có chiến tranh” tại Istanbul và Thổ Nhĩ Kỳ.
TROY NGÀY NAY, CÒN LẠI GÌ?
Khu vực cổ thành Troy ngày xưa, nay nằm gọn lỏm trong một đô thị bến cảng có tên là Canakkale, cách Istanbul khoảng 500km (300 miles) chếch về phía nam, vào sâu trong địa phận của Châu Á. Để đến được thị trấn này, du khách chỉ có thể ghi danh với một văn phòng du lịch tại Istanbul. Tùy vào số lượng người đi trong ngày, quý vị sẽ được sắp xếp đi bằng xe bus hoặc xe nhỏ 12 chỗ ngồi. Những phương tiện di chuyển công cộng địa phương chỉ có thể đến trung tâm của thị trấn chứ không đến Troy, một vị trí nằm khuất sau các rặng núi xa khu dân cư. Lời khuyên của tôi cho các du khách rằng: nếu không có bạn bè là người Turkist hoặc hướng dẫn viên du lịch đi theo, quí vị không nên tự tìm giao thông công cộng, sẽ rất mất thời gian. Người địa phương không mấy ai muốn đến một nơi hoang vu cách trung tâm thành phố 30km cả, do đó sẽ không có xe cộ nào đến đây ngoài nhu cầu của du khách, có khi trở ngại ngôn ngữ sẽ đưa quý vị đi đến những nơi không còn biết đường nào để quay về...
Nếu so sánh những bãi đất rộng ở các khu vực khảo cổ tại Châu Âu, tôi thấy khu vực thành Troy chưa thật sự sắp xếp và hướng dẫn kỹ càng, có bài bản như ở Hy Lạp và Ý. Dù sao thì những chân tường thành đã lộ ra, những phiến đá cổ xưa nằm lăn lóc trên mặt đất. Tôi thấy như mỗi đường vân của đá đều có hồn phách của con người qua từng thời kỳ. Dựa vào kết quả khảo cổ sơ lược, các chuyên gia đã kết luận cổ thành Troy đã có từ 5000 ngàn năm trước và trải qua 9 thời kỳ lịch sử. Mỗi thời kỳ vàng son dường như đều bị chấm dứt bởi những cơn động đất hoặc hỏa hoạn cháy rụi. Rồi cũng những con người sống sót đã xây lại một nền móng khác choàng ra bên ngoài hoặc lọt thỏm bên trong nền móng cũ của kinh thành, có khi lại xây chồng lên trên. Thành Troy dưới triều đại vua Priam, khi hoàng tử Paris đưa nàng Helen về, có thể nằm trong thời kỳ thứ 7 (khoảng từ năm 1250 đến 1180 trước Công Nguyên). Sau trận đại chiến thành Troy, toàn bộ hoàng gia của triều đại Priam bị giết sạch, cổ thành bị đốt cháy rụi, nhưng những nhà khảo cổ ngày nay đã tìm thấy có một lớp chân tường mới được xây chồng lên ngay sau đó. Cách thức và vật liệu xây dựng đều do người của cùng một nền văn hóa Trojans trước đó thực hiện. Dường như những người dân sống sót đã xây lại một phần cổ thành để sống, nhưng thời kỳ “hậu chiến” này rất ngắn ngủi và biến mất ngay sau đó. Giới khoa học và khảo cổ đã không tìm thấy một hiện vật hay chứng tích nào cho thấy nền văn hóa ấy còn tồn tại ở thành Troy trong những giai đoạn lịch sử tiếp sau đó. Nền văn minh ấy đã thật sự lụi tàn cùng với đế chế Priam.
Thời kỳ kế tiếp (thời kỳ thứ 8) bắt đầu ngay sau đó từ năm 1000 trước Công Nguyên cho đến năm 85 sau Công Nguyên (thế kỷ thứ 1). Nhưng đây là giai đoạn văn hóa của người Hy Lạp cổ đại đã di cư đến đây. Họ xây thêm thành, xây đền thờ các vị thần linh trong văn hóa Hy Lạp, xây nhà, đặt thêm các đường ống thoát nước bên dưới lòng đất... và cuộc sống của người Hy Lạp cổ đại kéo dài tại thành Troy đến 1085 năm. Hai bộ cổ thư Iliad và Odyssey của triết gia Homer kể về câu chuyện tình tay ba đã được viết trong giai đoạn này (khoảng năm 800 đến 700 trước Công Nguyên) . Sau đó là thời kỳ cuối (thời kỳ thứ 9), khi người La Mã đến chiếm thành từ năm 85 (thế kỷ thứ I) sau Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ IV hoặc trễ lắm là thế kỷ thứ VI. Đã có những chứng tích khảo cổ cho thấy thành nền văn hóa La Mã giai đoạn này phát triển khá rực rỡ ở thành Troy, nhưng rồi một trận động đất lớn xảy ra vào đầu thế kỷ thứ VI sau Công Nguyên đã chôn vùi tất cả sinh linh, văn hóa, lịch sử, kiến trúc vào sâu trong lòng đất. Toàn bộ khu vực thành Troy đã trở thành rừng rậm.... Biển tiếp tục bồi vào cho đất liền nhích dần ra xa, núi trồi lên, rừng xanh rậm hơn và già đi....Trong suốt gần 15 thế kỷ đi qua, thành Troy đã mất dấu tích, mặt dù trong dân gian, trên các cổ thư lưu truyền vẫn luôn nhắc đến. Khi câu chuyện vẫn còn được nhắc đến nhưng không có dấu vết chứng minh thì sự thật lịch sử cũng trở thành huyền thoại...Mãi đến năm 1822, một nhà khảo cổ người Đức là Heinrich Schliemann đã đến đây. Ông ta đã dùng hai cổ thi là ILiad và Odyssey của triết gia Homer làm kim chỉ nam, chấm tọa độ kinh thành Troy. Sau những đào xới công phu, nhiều lớp tường thành đã từ từ hé lộ với nhiều ngạc nhiên. Khi so sánh địa thế tại đây, các thực vật trong khu vực với những chi tiết ghi rất rõ trong hai bộ trường sử thi của Homer, tất cả các sử gia, nhà khảo cổ và khoa học đều cùng đồng ý rằng cuối cùng họ đã tìm ra được thành Troy sau nhiều thế kỷ mất dấu.
Tôi được sự giúp đỡ của người hướng dẫn viên rất uyên thâm kiến thức (từng là giáo viên dạy sử). Bằng giọng tiếng Anh thuần thục và trôi chảy, ông bảo tôi hãy đứng xoay hướng mặt ra biển, rồi ông phân tích địa thế cùng các thế trận từng xảy ra như thế nào. Từ đấy, tôi có thể mường tượng ra trận địa hàng ngàn năm xưa, mé biển nào là hướng của các chiến thuyền của hai anh em quân vương Menelaus và Agamemnon tiến vào tấn công thành Troy, cách thức họ dùng hòn đảo và rặng núi phía trước để ém binh ra sao, nơi nào là cổng chính của thành Troy, và nơi nào từng xảy ra trận đấu kiếm quyết tử giữa hoàng tử Hector (anh của Paris) và Achilles (danh tướng của vua Menelaus)....
LỜI CUỐI
Từ Sparta và Mycenae (nay là Hy Lạp) đi đến Troy (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) tôi đã phải mất 3 năm mới thu xếp được. Từ Istanbul, tôi đã mất gần 20 tiếng đồng hồ, cả đi cả về mới đến được Troy. Đổi nhiều xe, qua một eo biển bằng phà, thức suốt đêm vì hồi hộp... Cuối cùng tôi đã vô cùng hạnh phúc và thỏa nguyện ước mơ. Cảm giác như thể tôi đã đến, đã gặp các nhân vật bằng xương, bằng thịt như đại mỹ nhân Helen, hoàng tử Paris, hoàng tử Hector, những quân vương tài ba trận mạc thuở ấy của cả hai phe như Priam, Menelaus, Agamemnon, những danh tướng như Achilles, Philoctetes...
Khi kể lại chặng đường và ôn lại các câu chuyện thần thoại, tôi tránh không gọi hai anh em quân vương Menelaus và Agamemnon là phe Hy Lạp như các tác phẩm phim ảnh thời thượng vẫn gọi. Lý do vì họ là những vương quốc có nền văn hóa khác biệt, không phải văn hóa Hy Lạp. Khi văn hóa Mycenae đã lụi tàn, mấy thế kỷ sau, con người cùng nền văn hóa mang tên Hy Lạp cổ đại mới bắt đầu hình thành tại đây do những di dân từ nơi khác đến. Cũng như tôi không gọi Troy là phe Thổ Nhĩ Kỳ vì khi ấy chưa có nước Thổ.
Gió từ biển thổi vào nghe mằn mặn trên đầu môi. Gió rít lên từng cơn rất mạnh luồn qua những khe đá, những rừng cây cổ thụ, những táng lá.... tùy vào cảm nhận của mỗi người mà ra những âm thanh khác nhau.... Tôi vẫn như mê, như tỉnh...nhắm mắt lại.... những tiếng khóc than, gào la đầy chết chóc rất thê lương như từ bờ biển từ thật xa vọng lại, như rấm rức tức tưởi từ trong lòng đất ngay dưới chân tôi... Ước gì tôi được phép ở lại một mình đêm nay ở đây, biết đâu đại mỹ nhân Helen từ sau cánh rừng cổ thụ kia sẽ bước ra trò chuyện.....tôi sẽ xin nàng kể cho nghe nhiều điều bí mật vẫn đang còn chôn kín trong lòng đất hàng ngàn năm qua!!! Ừ nhỉ, biết đâu!!!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
một bài viết rất hay. Xin cảm ơn tác giả
ReplyDeleteHelen (tên của mình) cũng đã đến vùng đất Sparta rồi. Sao tác giả không chú thích mỗi bức ảnh là gì
ReplyDelete