Sinh hoạt độc lập, chính thức thành lập năm 1982 tại Costa Mesa California Hoa Kỳ, không bị chế tài bởi bất cứ Hội Đoàn hay Đoàn thể nào
Thursday, June 11, 2015
TỪ SPARTA ĐẾN TROY: LẦN THEO DẤU VẾT ĐẠI MỸ NHÂN HELEN
MỐI TÌNH TAY BA OAN KHIÊN ĐẨM MÁU NHẤT NHÂN LOẠI
Khi chạm được tay vào viên gạch của cổ thành Troy (hiện nay là thị trấn Cannakkali, Thổ Nhĩ Kỳ) cũng là lúc tôi, một kẻ hậu sinh rất mê môn học lịch sử, cảm thấy đôi mắt mình cay xè trong một niềm xúc động vô biên !!! Tôi như đang quờ quạng đi ngược giòng lịch sử của 3200 năm bụi mờ...và.... trong những cơn gió thốc rít rất mạnh từ biển Aegean, trong cái nắng như lửa đốt muốn hoa cả mắt, tôi thấy dường như phía trước có bóng dáng nàng Helen trong thần thoại Hy Lạp, một đại mỹ nhân được ca tụng đẹp nhất thế gian... nàng thoắt ẩn, thoắt hiện mờ ảo ở phía trước... tiếng ngựa hí vang trời, tiếng binh khí va chạm nghe rợn óc, tiếng thét say máu lẫn kinh hoàng của hàng vạn binh sĩ.... đầu rơi... lửa cháy rực... một nền văn minh rực rỡ bỗng chốc bị lụi tàn dưới cơn thịnh nộ ngút ngàn của vị quân vương.... Ghen tuông – Ái tình tay ba oan trái - Nhan sắc mỹ nữ - Tráng sĩ anh tài – hoàng đế quyền uy...... Lịch sử và thần thoại đã hư hư thực thực quấn quyện vào nhau qua nhiều ngàn năm. Mãi đến hôm nay, tất cả vẫn còn đầy kỳ bí trên thành quách đổ nát hoang vu, rừng già xanh thẩm, gió rít rợn người từng cơn hay đó là tiếng than khóc của hàng vạn oan hồn vẫn đang nuối tiếc cho một đế đô ???....
Tôi đã lần theo dấu vết của hoàng hậu Helen, từ Sparta đến Myceanea (nay thuộc về Hy Lạp) đến Troy (nay nằm sâu trong Thổ Nhĩ Kỳ)....nghe cho đủ những câu chuyện thần thoại dân gian, đến tận nơi những cánh đồng khảo cổ rộng bạc ngàn từ Âu sang Á, lục tung những kệ sách của nhiều thư viện. Trong cả núi tài liệu cũ và mới, có rất nhiều tài liệu mà tình tiết được phóng tác đi quá xa so với cổ tích và thần thoại. Tôi phải rất cẩn thận để biết mình đang đi ngược về quá khứ đúng đường...và nay, sau ba năm mới dám tự tin vì đã có “đủ bụi”, ngồi kể lại chặng đường đi tìm nàng Helen và cuộc tình sử tay ba oan khiên bậc nhất của thế gian. Mối tình đã khiến cho máu đổ thành sông trong một cuộc chiến tranh giữa hai vương quốc kéo dài 10 năm, một nền văn minh từng rất rực rỡ đã bị hủy diệt cùng với hàng vạn sinh linh vô tội, thèm sống...
HOÀNG HẬU HELEN - ĐẠI MỸ NHÂN CỦA THÀNH SPARTA
Khi đến Hy Lạp, tôi đã có cơ hội đặt chân đến thị trấn Argolis, nằm chếch về hướng tây nam của thủ đô Athans, nơi mà cách đây 4000 năm từng là lãnh thổ của hai vương quốc tên Sparta và Mycenae. Theo các tài liệu lịch sử thì đây là hai vùng đất có cùng một nền văn minh rất khác biệt và xưa hơn cả nền văn minh Hy Lạp cổ đại (Accent Greek). Ngày nay nếu nói về văn hóa khởi thủy của hai vương quốc cổ xưa này, người ta thường gọi chung là văn hóa Mycenaean. Vua Agamemnon cai trị xứ Mycenae, trong khi đó vua Menelaus cai trị xứ Sparta. Hai ông vua này là hai anh em ruột. Tôi đã không tìm được tài liệu nào để biết chính xác vị nào là anh, vị nào là em. Hai anh em trai ruột thịt này rất thương và hỗ trợ nhau. Dường như vua Agomemnon có nhiều quyền hành, từng thay mặt Menelaus đem lễ vật đến cầu hôn mỹ nhân Helen. Khi Helen bỏ Sparta và chồng là Menelaus về thành Troy cùng hoàng tử Paris, Agomemnon lại giúp Menelaus cầm quân, đưa các chiến thuyền và một trăm ngàn binh sĩ thiện chiến đến nghiền nát thành Troy.
Tương truyền rằng Helen rất đẹp, nàng có thể làm tê dại và điếng hồn tất cả những ai đang diện kiến nàng. Khi song thân nàng kén rể, đã có nhiều vua chúa và hoàng tử các xứ lân cận đem lễ vật, tàu chiến, quân đội, đất đai đến dâng để được cầu hôn Helen. Tuy nhiên sính lễ cùng uy quyền của Menelaus đã chiếm được đệ nhất mỹ nhân. Helen trở thành hoàng hậu, vợ nhà vua Menelaus, và được dân chúng gọi là Helen của thành Sparta....
HELEN - ĐẠI MỸ NHÂN CỦA THÀNH TROY
Hoàng tử Paris của thành Troy được cử đến thành Sparta để thực hiện một sứ mệnh ngoại giao cùng một số nghi lễ giữa các vương triều. Theo nhiều câu chuyện thần thoại, hoàng tử Paris là một tráng sĩ rất khỏe mạnh, tài giỏi, từng rất si mê Helen. Paris đã từng đem sính lễ đến cầu hôn Helen trước đây, nhưng chàng đã không được toại nguyện. Khi Paris đến Sparta lần này, vị trí của Helen đã là một hoàng hậu, tuy vậy cặp trai tài - gái sắc đã phải lòng nhau. Họ cùng xuống tàu bỏ trốn, dong buồm hướng về thành Troy là quê hương của hoàng tử Paris. Các tài liệu tôi tìm kiếm có nhiều chi tiết trái ngược nhau. Nhiều tài liệu cho rằng, chính hoàng tử Paris đã cưỡng bức, bắt cóc nàng Helen; nhưng cũng có nhiều tài liệu khác cho rằng đại mỹ nhân của trần gian đã xiêu lòng trước vẻ đẹp tráng kiện, sáng quắc của hoàng tử Paris. Nàng đã đồng ý cùng chàng ra khơi, bỏ lại tất cả, từ vị quân vương Menelaus uy quyền khắp vùng - có nhiều chư hầu lân bang, cho đến ngôi vị hoàng hậu cùng cung vàng, điện ngọc.
Khi vua Menelaus trở về Sparta sau vài hôm vắng mặt, người vợ yêu quý đẹp nhất trần gian, đã biến mất. Nhà vua nổi cơn thịnh nộ ngút trời, kêu gọi khẩn cấp sự hậu thuẫn của vua Agamemnon, tức là người anh em ruột, cùng những tiểu vương khác quanh vùng. Như đã nói ở trên, hàng ngàn chiến thuyền và một trăm ngàn binh lính ngay sau đó đã vượt biển Aegean nhiều ngày đêm tiến vào Troy. Tuy nhiên Troy là một vương quốc rất hùng mạnh, có vua giỏi và nhiều tướng tài, binh sĩ của hai anh em Menelaus và Agamemnon không cách chi vào được thành, và cuộc chiến tranh ấy đã mòn mỏi kéo dài gần 10 năm với nhiều tổn thất nặng nề cho cả hai bên...
NGỰA GỖ THÀNH TROY
Trong một lần thách đấu kiếm, anh ruột của hoàng tử Paris là Hector đã bị một dũng tướng của vua Menelaus đâm chết. Một tướng tài của thành Troy đã mất đi. Sau đó chính Paris đã phải cầm quân ra trận mạc nhiều hơn, đã trả thù được cho anh mình bằng cách bắn mũi tên trúng vào gót chân kẻ đã hạ chết anh mình. Kiếm sĩ này sau đó đã chết vì vết thương làm độc (tên của kiếm sĩ này là Achillies, do đó sau này trong y khoa đã dùng tên ông ta để gọi tên cho điểm yếu huyệt ở gót chân là Achilles’ heel). Nhiều tài liệu cũng nói rằng hoàng tử Paris không có tài cán gì, ngoài mã bề ngoài đẹp trai vương giả sáng ngời ra, chàng hoàng tử hoàn toàn bất tài. Tuy nhiên cũng có vô vàn các trang cổ thư khác lại cho biết Paris là một dũng tướng rất giỏi về cung tên, đấu kiếm cũng như sức khỏe vượt xa một người bình thường. Hoàng tử Paris rất trân quý người đẹp Helen như một báu vật, luôn giữ rịt nàng bên mình, ngay cả khi ra trận, chàng cũng mang Helen theo sau trên mình ngựa. Đôi tình nhân dường như không rời nhau nửa bước...Trong một trận đánh, Paris bị thương, vết thương đã làm độc và chàng chết dần trong đau đớn... Helen đã điên dại gào khóc bên người tình...Sau đó Helen đã được một người em của Paris che chở. Có tài liệu nói rằng Helen lại lấy người em của Paris này làm chồng (thứ ba) của nàng.
Lại nói về phe của nhà vua Menelaus và bào đệ là Agamemnon sau đó đã dùng mưu lược dàn cảnh rút quân. Họ đã đóng một con ngựa gỗ to khổng lồ làm tặng vật cho thành Troy tế nữ thần Athena. Các kiếm sĩ tài giỏi và cả nhà vua Menelaus đã núp bên trong, khi ngựa gỗ được đưa vào thành, đúng nửa đêm các cảm tử quân này từng người nhảy ra, giết chết lính canh, mở cổng thành cho binh lính bên ngoài tràn vào. Phe của hai anh em quân vương say máu tàn sát tất cả những người đàn ông và các em bé trai bên trong kinh thành. Con của hoàng tử Hector (anh của Paris) cũng bị ném từ tường thành cao xuống.... máu đã đổ thành sông, đầu đã rơi hàng loạt, tiếng kêu khóc gào thét vang dội tứ bề giữa đêm sáng trăng.... một nền văn minh rực rỡ, sầm uất, tấp nập của thành Troy, sau 10 năm chống cự, trong thoáng chốc đã bị đốt cháy thành tro bụi... Theo các tài liệu cổ và truyền thuyết dân gian, nhà vua Menelaus khi gặp Helen đã vung kiếm lên muốn chém chết kẻ phản phúc, bội tình. Nhưng Helen đã kịp nhanh chóng trút bỏ xiêm y. Đệ nhất mỹ nhân bán lõa thể ngay trước mặt vị quân vương với một thân hình tuyệt mỹ. Cho dù đã là 10 năm xa cách, nàng vẫn là một mỹ nhân độc nhất vô nhị trong thiên hạ ... nhà vua đã run tay, hạ kiếm, ngửa mặt lên trời mà than:
“Sự đau đớn của ta chính là đây...những lưỡi gươm bén nhọn nhất ở sa trường cũng đành vô dụng, thúc thủ trước một mỹ nhân”
Vua Menelaus sau đó đã đưa Helen về Sparta, thành Troy bị đốt cháy, bỏ hoang. Trên đường về, vua Agamemnon lại bị ám sát. Cả hai phe đã tổn thất quá nặng nề. Phía nhà vua Menelaus mất đi người anh em ruột, những tướng tài, binh sĩ đã tan tác. Phía thành Troy thì từ vua Priam đến các quan, tướng và tôi đều bị tàn sát, một nền văn minh đã lụi tàn.
Tất cả chỉ vì nhan sắc của đại mỹ nhân Helen, người phụ nữ được thần thoại Hy Lạp và các trang cổ thư nhận xét là người đàn bà đẹp nhất thế gian !!!
Khi tìm hiểu về nàng Helen qua các tài liệu dịch ra Anh Ngữ, tôi nhận thấy luôn có hai xu hướng nhận định về mỹ nhân có một không hai của trần thế này. Không tài liệu nào phủ nhận nét đẹp ma mị của nàng, nhưng nói về tình cảm thật của nàng thì có rất nhiều sách bênh vực rằng nàng chỉ là nạn nhân, bị hoàng tử Paris bắt cóc và chiếm hữu. Cũng có nhiều sách khác cho rằng Helen và Paris có tư tình, họ đã đồng lòng trốn đi và chính đôi tình nhân – uyên ương này là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử cổ đại của nhân loại.
Tại thị trấn Cannakkale ngày nay có hai chú ngựa gỗ cho du khách có thể chụp hình lưu niệm. Chú ngựa gỗ trong phim Troy (do Brad Pitt và Orlando Bloom đóng vai chính, đạo diễn phim là Wolfgang Peterson) do hãng phim Warner Bros tặng cho thành phố sau khi họ hoàn tất bộ phim. Một chú ngựa gỗ khác được đặt ngay vị trí khảo cổ do chính quyền và bộ du lịch địa phương phục dựng. Người hướng dẫn viên và thuyết trình có cho biết, chính nhờ các bộ phim của Hollywood đã giúp đưa thêm nhiều du khách phương Tây đến đây. Ông cũng nói thêm, rằng du khách cần xem sách hơn xem phim, bởi vì các sản phẩm điện ảnh ngày nay hay thêm thắt quá nhiều chi tiết mới vào phim ảnh, khiến câu chuyện trở nên khác xa so với những truyền thuyết dân gian có từ ngàn xưa.
TÔI LẦN TÌM DẤU VẾT NÀNG HELEN TRONG 3 NĂM
Sau chuyến thăm Hy Lạp vào năm 2012, đến được khu vực khảo cổ trên đỉnh núi, nơi từng là nền móng lâu đài và kinh đô của văn hóa Mycenae, thăm mộ các ông vua Menelaus và Agamemnon..., tôi đã vô cùng xúc động, muốn viết ngay về chuyến đi, kể cho độc giả nghe những kỷ niệm và hạnh phúc của tôi khi được đứng tại vị trí của cổ thành hơn ba ngàn năm trước, nhất là về nàng Helen của Thành Sparta (Helen of Sparta). Tuy nhiên, ngày ấy càng viết thì tôi càng thấy kinh nghiệm thực tế cho bài viết vẫn còn thiếu đến 50%, tức là quãng đời sau của đại mỹ nhân: Helen của Thành Troy (Helen of Troy). Mà quãng đời sau của nàng, cùng cuộc tình oan trái tay ba giữa giai nhân – dũng sĩ – quân vương này là nguyên nhân của cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm kia mới có nhiều điều cần viết thêm. Là một học sinh từng mê mẩn môn học lịch sử, tôi không cho phép mình hấp tấp. Tôi thấy mình muốn viết thì cần phải đến tận nơi, chạm tận tay vào các phiến đá phủ dày bụi bặm, nhắm mắt đưa thần thức trở về... sống lại thời điểm của quá khứ ba mươi mấy thế kỷ trước....
Thế là tôi đành ngưng lại bài viết dang dở ấy trong năm 2012....
Mãi đến đầu năm 2015, tôi mới có cơ hội thu xếp, một mình bay qua thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), từ đây tôi tìm đường đi đến Troy. Các đồng nghiệp nghe tin tôi sẽ đi Istanbul lúc này đều can ngăn. Tình hình thời sự mỗi ngày trên truyền hình, báo chí đang cho thấy khu vực này luôn xảy ra những bất ổn chính trị. Nhóm khủng bố IS rất cực đoan, tàn ác, lợi dụng danh nghĩa Hồi Giáo đang hoạt động tại đây. Đã có màn bắt cóc con tin tại trung tâm thành phố Istanbul, chiến tranh thì đang xảy ra ở biên giới phía nam, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nhiều lời can ngăn tôi nên bỏ ý định đến Thổ Nhĩ Kỳ. Có hai người bạn rủ tôi đi ăn trưa chỉ nhằm thuyết phục tôi hơn hai tiếng đồng hồ rằng hãy ở nhà cho lành.... Tôi rất cảm động trước tình cảm bạn bè, đồng nghiệp dành cho tôi. Nhưng dường như có một tiếng gọi rất mơ hồ, xa xăm từ tiền kiếp thôi thúc ??? Rồi tôi cũng đến được Istanbul. Thành phố hiện ra với tôi kèm theo nhiều ngạc nhiên, thú vị. Tôi sẽ viết nhiều hơn trong một bài riêng biệt nói về văn hóa, sinh hoạt và cuộc sống, kể cả “không khí như đang có chiến tranh” tại Istanbul và Thổ Nhĩ Kỳ.
TROY NGÀY NAY, CÒN LẠI GÌ?
Khu vực cổ thành Troy ngày xưa, nay nằm gọn lỏm trong một đô thị bến cảng có tên là Canakkale, cách Istanbul khoảng 500km (300 miles) chếch về phía nam, vào sâu trong địa phận của Châu Á. Để đến được thị trấn này, du khách chỉ có thể ghi danh với một văn phòng du lịch tại Istanbul. Tùy vào số lượng người đi trong ngày, quý vị sẽ được sắp xếp đi bằng xe bus hoặc xe nhỏ 12 chỗ ngồi. Những phương tiện di chuyển công cộng địa phương chỉ có thể đến trung tâm của thị trấn chứ không đến Troy, một vị trí nằm khuất sau các rặng núi xa khu dân cư. Lời khuyên của tôi cho các du khách rằng: nếu không có bạn bè là người Turkist hoặc hướng dẫn viên du lịch đi theo, quí vị không nên tự tìm giao thông công cộng, sẽ rất mất thời gian. Người địa phương không mấy ai muốn đến một nơi hoang vu cách trung tâm thành phố 30km cả, do đó sẽ không có xe cộ nào đến đây ngoài nhu cầu của du khách, có khi trở ngại ngôn ngữ sẽ đưa quý vị đi đến những nơi không còn biết đường nào để quay về...
Nếu so sánh những bãi đất rộng ở các khu vực khảo cổ tại Châu Âu, tôi thấy khu vực thành Troy chưa thật sự sắp xếp và hướng dẫn kỹ càng, có bài bản như ở Hy Lạp và Ý. Dù sao thì những chân tường thành đã lộ ra, những phiến đá cổ xưa nằm lăn lóc trên mặt đất. Tôi thấy như mỗi đường vân của đá đều có hồn phách của con người qua từng thời kỳ. Dựa vào kết quả khảo cổ sơ lược, các chuyên gia đã kết luận cổ thành Troy đã có từ 5000 ngàn năm trước và trải qua 9 thời kỳ lịch sử. Mỗi thời kỳ vàng son dường như đều bị chấm dứt bởi những cơn động đất hoặc hỏa hoạn cháy rụi. Rồi cũng những con người sống sót đã xây lại một nền móng khác choàng ra bên ngoài hoặc lọt thỏm bên trong nền móng cũ của kinh thành, có khi lại xây chồng lên trên. Thành Troy dưới triều đại vua Priam, khi hoàng tử Paris đưa nàng Helen về, có thể nằm trong thời kỳ thứ 7 (khoảng từ năm 1250 đến 1180 trước Công Nguyên). Sau trận đại chiến thành Troy, toàn bộ hoàng gia của triều đại Priam bị giết sạch, cổ thành bị đốt cháy rụi, nhưng những nhà khảo cổ ngày nay đã tìm thấy có một lớp chân tường mới được xây chồng lên ngay sau đó. Cách thức và vật liệu xây dựng đều do người của cùng một nền văn hóa Trojans trước đó thực hiện. Dường như những người dân sống sót đã xây lại một phần cổ thành để sống, nhưng thời kỳ “hậu chiến” này rất ngắn ngủi và biến mất ngay sau đó. Giới khoa học và khảo cổ đã không tìm thấy một hiện vật hay chứng tích nào cho thấy nền văn hóa ấy còn tồn tại ở thành Troy trong những giai đoạn lịch sử tiếp sau đó. Nền văn minh ấy đã thật sự lụi tàn cùng với đế chế Priam.
Thời kỳ kế tiếp (thời kỳ thứ 8) bắt đầu ngay sau đó từ năm 1000 trước Công Nguyên cho đến năm 85 sau Công Nguyên (thế kỷ thứ 1). Nhưng đây là giai đoạn văn hóa của người Hy Lạp cổ đại đã di cư đến đây. Họ xây thêm thành, xây đền thờ các vị thần linh trong văn hóa Hy Lạp, xây nhà, đặt thêm các đường ống thoát nước bên dưới lòng đất... và cuộc sống của người Hy Lạp cổ đại kéo dài tại thành Troy đến 1085 năm. Hai bộ cổ thư Iliad và Odyssey của triết gia Homer kể về câu chuyện tình tay ba đã được viết trong giai đoạn này (khoảng năm 800 đến 700 trước Công Nguyên) . Sau đó là thời kỳ cuối (thời kỳ thứ 9), khi người La Mã đến chiếm thành từ năm 85 (thế kỷ thứ I) sau Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ IV hoặc trễ lắm là thế kỷ thứ VI. Đã có những chứng tích khảo cổ cho thấy thành nền văn hóa La Mã giai đoạn này phát triển khá rực rỡ ở thành Troy, nhưng rồi một trận động đất lớn xảy ra vào đầu thế kỷ thứ VI sau Công Nguyên đã chôn vùi tất cả sinh linh, văn hóa, lịch sử, kiến trúc vào sâu trong lòng đất. Toàn bộ khu vực thành Troy đã trở thành rừng rậm.... Biển tiếp tục bồi vào cho đất liền nhích dần ra xa, núi trồi lên, rừng xanh rậm hơn và già đi....Trong suốt gần 15 thế kỷ đi qua, thành Troy đã mất dấu tích, mặt dù trong dân gian, trên các cổ thư lưu truyền vẫn luôn nhắc đến. Khi câu chuyện vẫn còn được nhắc đến nhưng không có dấu vết chứng minh thì sự thật lịch sử cũng trở thành huyền thoại...Mãi đến năm 1822, một nhà khảo cổ người Đức là Heinrich Schliemann đã đến đây. Ông ta đã dùng hai cổ thi là ILiad và Odyssey của triết gia Homer làm kim chỉ nam, chấm tọa độ kinh thành Troy. Sau những đào xới công phu, nhiều lớp tường thành đã từ từ hé lộ với nhiều ngạc nhiên. Khi so sánh địa thế tại đây, các thực vật trong khu vực với những chi tiết ghi rất rõ trong hai bộ trường sử thi của Homer, tất cả các sử gia, nhà khảo cổ và khoa học đều cùng đồng ý rằng cuối cùng họ đã tìm ra được thành Troy sau nhiều thế kỷ mất dấu.
Tôi được sự giúp đỡ của người hướng dẫn viên rất uyên thâm kiến thức (từng là giáo viên dạy sử). Bằng giọng tiếng Anh thuần thục và trôi chảy, ông bảo tôi hãy đứng xoay hướng mặt ra biển, rồi ông phân tích địa thế cùng các thế trận từng xảy ra như thế nào. Từ đấy, tôi có thể mường tượng ra trận địa hàng ngàn năm xưa, mé biển nào là hướng của các chiến thuyền của hai anh em quân vương Menelaus và Agamemnon tiến vào tấn công thành Troy, cách thức họ dùng hòn đảo và rặng núi phía trước để ém binh ra sao, nơi nào là cổng chính của thành Troy, và nơi nào từng xảy ra trận đấu kiếm quyết tử giữa hoàng tử Hector (anh của Paris) và Achilles (danh tướng của vua Menelaus)....
LỜI CUỐI
Từ Sparta và Mycenae (nay là Hy Lạp) đi đến Troy (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) tôi đã phải mất 3 năm mới thu xếp được. Từ Istanbul, tôi đã mất gần 20 tiếng đồng hồ, cả đi cả về mới đến được Troy. Đổi nhiều xe, qua một eo biển bằng phà, thức suốt đêm vì hồi hộp... Cuối cùng tôi đã vô cùng hạnh phúc và thỏa nguyện ước mơ. Cảm giác như thể tôi đã đến, đã gặp các nhân vật bằng xương, bằng thịt như đại mỹ nhân Helen, hoàng tử Paris, hoàng tử Hector, những quân vương tài ba trận mạc thuở ấy của cả hai phe như Priam, Menelaus, Agamemnon, những danh tướng như Achilles, Philoctetes...
Khi kể lại chặng đường và ôn lại các câu chuyện thần thoại, tôi tránh không gọi hai anh em quân vương Menelaus và Agamemnon là phe Hy Lạp như các tác phẩm phim ảnh thời thượng vẫn gọi. Lý do vì họ là những vương quốc có nền văn hóa khác biệt, không phải văn hóa Hy Lạp. Khi văn hóa Mycenae đã lụi tàn, mấy thế kỷ sau, con người cùng nền văn hóa mang tên Hy Lạp cổ đại mới bắt đầu hình thành tại đây do những di dân từ nơi khác đến. Cũng như tôi không gọi Troy là phe Thổ Nhĩ Kỳ vì khi ấy chưa có nước Thổ.
Gió từ biển thổi vào nghe mằn mặn trên đầu môi. Gió rít lên từng cơn rất mạnh luồn qua những khe đá, những rừng cây cổ thụ, những táng lá.... tùy vào cảm nhận của mỗi người mà ra những âm thanh khác nhau.... Tôi vẫn như mê, như tỉnh...nhắm mắt lại.... những tiếng khóc than, gào la đầy chết chóc rất thê lương như từ bờ biển từ thật xa vọng lại, như rấm rức tức tưởi từ trong lòng đất ngay dưới chân tôi... Ước gì tôi được phép ở lại một mình đêm nay ở đây, biết đâu đại mỹ nhân Helen từ sau cánh rừng cổ thụ kia sẽ bước ra trò chuyện.....tôi sẽ xin nàng kể cho nghe nhiều điều bí mật vẫn đang còn chôn kín trong lòng đất hàng ngàn năm qua!!! Ừ nhỉ, biết đâu!!!
Tâm sự người mất vợ
Có
thời ông Tư thường hay đùa, trêu chọc bạn bè rằng: “Đời người đàn ông
có hai lần sung sướng: Lần cưới vợ, và lần vợ chết. “Bây giờ vợ chết,
ông mới ý thức được cái câu đùa nghịch đó vô cùng bậy bạ và bất nhân,
không nên nói. Có lẽ anh chàng nào nghĩ ra câu nầy là kẻ độc thân, chưa
có kinh nghiệm chết vợ. Ông ân hận và tự giận mình.
Sau
khi chết vợ, ông như mất hồn, lãng đãng, trí óc để trên mây. Nhiều lần
trên đường về nhà, ông đi lạc, lái xe qua khỏi nhà rồi mà không biết.
Ngày xưa, ông hay bực mình mỗi khi được bà nhắc nhở đi lối nầy, quẹo góc
kia, và bà cũng nổi nóng la nạt ông mỗi khi đi lạc đường. Bây giờ, mong
được nghe lời cáu kỉnh gây gổ đó, mà không có được. Ông thở dài và đau
nhói trong tim như có vật nhọn đâm vào. Không thể ngờ, vợ ông không còn
trên đời nầy nữa. Bây giờ bà nằm ngoài kia, nghĩa địa hoang lạnh âm u.
Không còn chầm chập kiểm soát từng hành động của ông để mà phê bình sửa
sai.
Mở
cửa, bước vào nhà, ông nói lớn như khi bà còn sống: “Em ơi! Anh đi làm
về.” Trước đây, nếu không nghe tiếng trả lời, ông chạy vụt lên lầu tìm
vợ. Bây giờ, ông lẳng lặng đến thẳng bàn thờ, thắp ba cây nhang, lạy bốn
lạy. Ông thầm nghĩ, người ta chỉ lạy vợ khi vợ đã chết rồi, tại sao
không ai lạy vợ khi vợ còn sống? Dù có gây nên tội lỗi tầy đình, cũng
không ai lạy vợ bao giờ.
Ông
nhìn tấm hình màu, ảnh bán thân của bà, có nụ cười thật tươi, hai vành
môi uốn cong, đôi mắt sáng tinh anh, có ánh tinh nghịch. Ông thấy bà còn
đẹp lắm, nét đẹp dịu dàng. Thế mà bao nhiêu năm nay, ông không hề biết,
và chưa một lần nhìn ngắm kỹ cái nhan sắc của vợ. Sống lâu ngày bên
nhau, thấy nhau, nhưng quên nhìn ngắm, chỉ thấy hình thể tổng quát của
nhau. Cũng như nhiều ông có vợ thiếu nhan sắc, cũng không bao giờ biết
vợ họ xấu. Những ông lấy được vợ đẹp, lâu ngày, cũng chẳng còn biết vợ
mình là đẹp. Nhiều bà đi xâm môi, xâm lông mày xong, về nhà, ông chồng
cũng không hề biết có sự thay đổi trên mặt vợ.
Ông
Tư gieo mình nằm vật ra tấm ghế bành, hai tay ôm mặt khóc rưng rức như
đứa bé đi về vắng mẹ. Tiếng khóc buồn bã vang dội trong căn phòng vắng.
Ông ước sao chuyện thật hôm nay là một giấc mộng dữ, để khi ông thức
dậy, thấy còn có bà bên cạnh. Có thể ông sẽ bị vợ cằn nhằn trách móc một
điều gì đó như thường ngày, nhưng thà còn có những phiền hà của vợ, còn
hơn là nằm đây một mình.
Ông
đã khóc như thế cả tháng mấy nay, mỗi lần đi làm về. Bước vào căn nhà
vắng vẻ lạnh lẽo, không còn bóng dáng người vợ thương yêu, làm trái tim
ông se sắt, tâm trí ông trống rỗng mịt mờ. Nỗi đau cũng tan dần theo
giòng nước mắt, rồi ông thiếp đi trong một giấc ngủ buồn, ngắn. Khi thức
dậy, ông nhìn quanh, đâu đâu cũng có bóng dáng, có kỷ niệm với bà. Tất
cả đều còn đó. Vật dụng, đồ đạc của bà trước khi chết, vẫn còn để y chỗ
cũ, giữ nguyên trạng. Ông không muốn thay đổi chuyển dịch gì cả. Trên
bàn trang điểm, vẫn còn chiếc lược nằm nghiêng nghiêng, thỏi son dựng
đứng, hộp phấn, những chai thuốc bôi tay cho mịn da, tất cả đều không xê
dịch, không sắp xếp lại. Ông tưởng như hương tay của bà còn phảng phất
trên từng món vật dụng.
Mỗi
bữa ăn, không còn ai thúc hối, hò hét dục ông ngồi vào bàn ngay, sợ cơm
canh nguội lạnh. Bây giờ, ông tha hồ lần lửa, không tha thiết đến bữa
cơm. Có khi chín mười giờ mới bắt dầu ăn, qua loa cho xong, miệng nhạt
phèo. Thường ông để thêm chén dĩa đũa muỗng đầy đủ cho bà. Rồi thì thầm
mời vợ ăn, tưởng như bà còn sống, ngồi đối diện và cùng chia vui hạnh
phúc trong từng giây phút của thời gian. Ông có ảo tưởng như bà còn ngồi
đối diện, đang lắng nghe ông nói. Hôm nay bà làm biếng phê bình, không
mắng trách khi ông làm rơi cơm canh ra bàn. Với cách đó, ông tự dối
lòng, để có thể nuốt trôi những thức ăn, mà vì buồn chán, ông không còn
cảm được hương vị ngon ngọt.
Nhiều
khi thức giấc nửa đêm, vòng tay qua ôm vợ, ôm vào khoảng trống, ông
giật mình thảng thốt, chợt hỏi thầm, bà đi đâu rồi? Khi chợt nhớ bà
không còn nữa, nước mắt của ông chảy ra ướt cả gối. Có khi úp mặt khóc
rưng rức, khóc cho đã, cho trái tim mủn ra, và thân thể rã rời. Chiếc
giường trở thành trống trải, rộng thênh thang. Ông vẫn nằm phía riêng,
bên kia còn để trống, dành cho bà. Ông ôm hôn cái gối, mùi hương của bà
còn phảng phất gợi bao kỷ niệm của tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Khi
không ngủ được, ông bật đèn nằm đọc sách, bây giờ ông không sợ ai cằn
nhằn, ngăn cấm đọc sách giữa đêm khuya. Trước đây, nhiều khi ông tha
thiết thèm đọc vài trang sách trước khi đi ngủ, mà vợ cứ cằn nhằn mãi,
làm ông mất đi cái thú vui nầy. Bây giờ ông nhận ra vì thương chồng, sợ
ngày hôm sau ông buồn ngủ, mệt, nên bà ngăn cản, bảo là chói mắt không
ngủ được.
Ông
tiếc, vợ chồng đã hay cãi vã những chuyện không đâu, chẳng liên quan gì
đến ai, mà làm mất đi cái vui, cái hòa hợp của gia đình. Có khi chỉ vì
tranh luận chuyện con khỉ bên Phi Châu, mà đi đến to tiếng, giận hờn,
khóc lóc, làm vợ chồng buồn giận nhau, dại dột như hai đứa trẻ con ngu
dại.
Tại
sao phải gắt gỏng, đâu có được gì, mà làm nhau buồn. Bây giờ muốn nói
lời ân hận, thì làm sao cho bà nghe được. Ông tự xét, ông là một con
người tệ mạt, thiếu hiểu biết. Khi có hạnh phúc trong tay thì không biết
trân trọng, để đến khi mất đi, mới ân hận, mà không còn kịp nữa.
Nếu
được làm lại, ông sẽ đối xử với bà tử tế hơn, nói nhiều những lời êm ái
dịu dàng. Sẽ không nổi giận khi bà làm chuyện ngang phè, sẽ nhường nhịn
bà nhiều hơn, và sẽ phớt tỉnh mỗi khi bị bà chê bai, mai miả. Nhất là
bày tỏ cái lòng ông, nói ông yêu thương bà, yêu thương lắm lắm. Đâu có
gì ngăn trở, mà những ngày bà còn sống, ông không nói được những điều
đó. Ông chợt nhớ có ngưòi viết rằng, vợ chồng phải đối xử như ngày mai
thức dậy sẽ không còn nhau. Vì chẳng ai được sống mãi, và cũng không
biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra trong giờ sắp tới, cho ngày hôm sau. Cuộc
đời con người vốn bấp bênh trong định mệnh.
Lấy
kinh nghiện đó, nhiều lần nói với những người bạn mà vợ chồng còn được
sống bên nhau, cho họ biết rằng, họ đang có hạnh phúc quý báu, nên họ
nên trân trọng giữ gìn, kẻo mai đây, khi chiếc bóng, thì tiếc thương
cũng đã muộn màng. Đa số có lắng nghe, và tin lời ông là đúng, nhưng họ
quên phứt ngay sau đó, và không thực hành điều hiểu biết.
Mẹ
ông mất trước vợ sáu tháng. Ông cũng buồn, thương. Nghĩ rằng mẹ già thì
chết là chuyện thường tình. Nhưng khi mất vợ, ông cảm thấy đau đớn và
buồn khổ vô cùng tận. Buồn hơn mất mẹ mười lần. Ông tự cảm thấy xấu hổ,
vì mất mẹ mà lại không đau buồn bằng vợ chết! Có phải ông đã thương vợ
hơn thương mẹ chăng? Có phải ông là đứa con bất hiếu? Ông cũng không
biết, và không so sánh được hai cái đau vì mất mát. Nhưng rõ ràng, ông
đã ngã gục khi chết vợ
Có
khi quẩn trí, ông muốn chết theo bà. Sao cuộc sống vô vị quá chừng. Rồi
mai mốt cũng già, bệnh, đâu có thoát được cái chết. Chết bây giờ, nếu
còn linh hồn, thì còn gặp lại vợ ngay. Nhưng ông sực nhớ nhiều lần bà
nói không muốn gặp ông lại trong kiếp sau. Bà đâu có thù ghét ông mà nói
câu đó nhỉ. Nói chi cho ông đau lòng lúc nghe, và còn đau cả đến tận
bây giờ. Ông nghe nói, có một loài chim, khi một con chết đi, thì con
kia ngày đêm kêu thương, bỏ ăn bỏ ngủ, than gào cho đến chết. Chim còn
chung tình đến thế, mà ông thì còn sống, còn ăn, còn ngủ, còn đi làm,
còn giữ tiền bạc. Chẳng bằng được loài chim sao?
Trong
căn nhà nầy, đâu đâu cũng có dấu vết của bà. Mở tủ đựng ly chén ra, ông
đứng nhìn xem, bên trong sắp đặt thứ tự, gọn gàng. Có những thứ mà bây
giờ ông mới thấy, và không biết công dụng nó làm gì, khi nào thì dùng
đến. Bà đã mua sắm, sắp đặt cẩn thận. Ông cầm một cái ly, biết vật nầy
đã có bàn tay vợ đụng đến, ông ghé môi hôn, tưởng đang hôn bàn tay bà.
Ba bộ ấm pha trà xinh xắn, bà mang về trong dịp đi du lịch bên Nhật, để
cho ông thù tiếp bạn bè. Bà thương ông đến như vậy đó.
Hơn
cả chục chai rượu nho, rượu mạnh trong tủ kiếng, cũng do một tay bà
mua. Bà không biết uống, nhưng hễ nghe ai khen rượu ngon, rượu quý, thì
bà cũng cố mang về cho chồng một vài chai. Ông thường dặn nếu không biết
uống rượu thì đừng mua, vì khẩu vị của mỗi người khác nhau. Cũng như
mình khen mắm nêm thơm ngon, nhưng cho Tây ăn, thì họ bịt mũi mà oẹ ra.
Bây giờ đứng đây, đưa tay sờ vào những chai rượu màu nâu sẫm, lòng ông
đầy ân hận, đáng ra lúc đó, ông phải nói những lời tử tế ngọt ngào cám
ơn, và bày tỏ cái hân hoan với tình thương chăm sóc của vợ. Những khi
đó, ông đã nói những lời chân thật như đất ruộng, làm phụ tấm lòng yêu
thương của bà. Ông định nhấp vài hớp rượu để tưởng nhớ đến ơn vợ, nhưng
rồi đặt chai xuống, và thì thầm hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Em ơi! lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai?” Mắt ông cay cay, tim đập sai nhịp.
Tủ
áo quần của bà còn nguyên vẹn đó. Những chiếc áo giản dị, màu sắc khiêm
tốn. Bà phải chờ cho đến khi bán hạ giá thấp nhất mới dám mua. Bà cần
kiệm, không dám hoang phí. Đi đám cưới, tiệc tùng, bà không cần phải
thay đổi áo mới, kiểu nầy, kiểu kia. Bà nói: “Ngay cả ông chồng, còn
chưa nhớ được kỳ trước mình mặc áo nào, màu gì, huống chi thiên hạ. Họ
đâu có dư thì giờ mà vớ vẩn nhớ đến cách phục sức của cả trăm người
trong bữa tiệc. Mà dù cho họ có nhớ đi nữa, cũng không sao, đâu có gì
quan trọng. Chắc cũng chẳng ai chê mình không có áo quần mới khi tham dự
tiệc tùng.” Cái đơn sơ giản dị chân thành của bà làm ông thương và mến
phục.
Áo
quần của ông, cũng do bà tìm tòi mua giúp. Khi thấy cái áo quần tốt,
màu sắc trang nhã, giá cả tương đối được, bà hối hả kêu ông chạy gấp đến
tiệm thử liền. Ngay cả áo quần lót, vớ, cà-vạt, cũng do bà mua cho ông.
Bà đem áo quần đã cũ sờn vất đi, thay vào các thứ mới. Ông cứ tự nhiên
dùng, chưa bao giờ biết kích thước đúng của chính ông. Đã có bà lo hết.
Bây giờ không còn bà, ông mới thấy rõ ràng hơn những gì đã nhận được xưa
nay mà vô tình không nghĩ đến. Cầm chiếc quần được lên lai trong tay,
nhìn đường kim mũi chỉ cẩn thận, ông thấy rõ tình thương của bà gói ghém
trong đó. Áo quần mùa đông, mùa hè của ông cũng được bà sắp xếp riêng
từng ngăn cẩn thận. Bà đã cho giặt sạch, kỹ lưỡng trước khi được treo
xếp vào ngăn tủ áo quần, để dành mặc vào mùa sau. Từ khi có bà trong
đời, ông mất dần đi khả năng tự lo, tự lập mà ông vô tình không biết.
Ông
nhớ những khi tham dự tiệc tùng, trong lúc ăn uống, khi có chút rau,
thịt mắc vào kẽ răng, không dùng lưỡi cạy ra được, bà nhìn ông, biết
ngay. Bà len lén mở ví, kín đáo chuyền tay cho ông một cây tăm bọc trong
giấy. Ông xem đó như chuyện tự nhiên. Cũng có khi ông quay qua bà hỏi
khéo: “Em còn cây tăm nào không?” Bà mở ví, đưa cho ông ngay. Trong lúc
ăn, có món ngon vừa ý, bà thì thầm nhắc ông. Hoặc khi lấy thức ăn, bà
chọn cho ông miếng ngon nhất. Những lúc đó, ông hơi ngượng, liếc mắt
nhìn quanh bàn. Phần ông, thì cứ dặp đại, chưa bao giờ phân biệt miếng
ngon, miếng dở. Gắp được cục xương không dính chút thịt cũng cứ vui.
Trong bữa ăn, khi thấy ly nước của ông cạn, bà châm, thêm, ông hoàn toàn
không quan tâm đến.
Bà
biết rõ ông ưa thích món ăn gì, để mỗi ngày nấu nướng. Khi nghe ông
khen món nào đó, thì hôm sau, bà nấu ngay cho ông ăn. Ông chỉ lờ mờ nhận
ra hảo ý của bà, nhưng không biết nói một câu nịnh cho vui lòng vợ.
Nhiều
lần ông bà rủ nhau đi du lịch xa, ông có nhiệm vụ lên mạng mua vé máy
bay, đặt khách thuê sạn. Thế là xong. Phần bà lo cho tất cả các mục còn
lại. Từ áo quần thường, áo lạnh, áo ngủ, đồ lót, vớ, giày phụ, dép, bàn
chải răng, kem, kiếng phụ, tăm, thuốc cấp cứu, thuốc dùng ngừa bệnh,
điện thoại di động, giây cắm điện thoại, máy hình, máy điện toán xách
tay và các thứ phụ tùng cần thiết. Danh sách của bà đủ bốn mươi tám món.
Bà cũng không quên mang theo một ít thức ăn khô, phòng khi lỡ đường.
Nhiều khi thấy va-li căng kè, nặng nề, ông gào to: “Đi chơi chứ đâu phải
là dọn nhà? Sao không mang theo cả cái tủ lạnh cho tiện.”
Một
lần đi Âu Châu, cuộc đình công kéo dài, điện tắt và trời bão tố. Ông bà
bình tâm nằm trong khách sạn, không chút nao núng, vì đã có sẵn một ít
thức ăn khô mang theo. Thường trước khi đi, bà đọc kỹ và kiểm soát lại
chuyến bay, lộ trình, các hãng đưa đón, khách sạn, ngày giờ của các
‘tua’ du lịch. Bà bắt ông xuất trình giấy thông hành, căn cước, thẻ tín
dụng, tiền bạc, kiểm soát lại từng chút một, để khỏi quên bất cứ vật gì.
Ông cảm thấy khó chịu vì bị vợ xem như đứa trẻ con. Nhưng khi vợ mất
rồi, ông đi xa mà để quên đủ thứ, nghĩ lại càng thương bà hơn.
Ông
thường ham mê xem các trận đấu thể thao. Nhiều lần ông đang đi chơi với
bạn, bà sợ ông bỏ mất trận đấu, kêu điện thoại nhắc nhở: “Anh nhớ chiều
nay 5 giờ có trận chung kết bóng rổ đó nghe!” Ông cám ơn bà, và thu xếp
về cho kịp giờ khai đấu.
Từ
khi có gia đình, ông phụ thuộc quá nhiều vào vợ. Không có bà, ông như
rơi xuống một vực sâu, tối tăm mù mịt, ngày tháng tẻ nhạt. Không gian và
thời gian dường như thành trống rỗng.
Mỗi
chiều tan sở, ông bâng khuâng không biết đi đâu,về đâu cho đỡ thấy
quạnh hiu. Khi vợ còn sống, phải lo về ngay, không dám ngồi quán cà phê
lai rai, về nhà vợ hạch hỏi không dám trả lời thật. Có khi ông điện
thoại cho bạn, hỏi chiều nay ông đến chơi được không, và xin được ăn cơm
tối. Bạn biết ông đang buồn, đơn lẻ, nên thường niềm nở chấp nhận.
Nhiều lần, ông mua một vài món ăn ở tiệm, đem đến nhà bạn góp vào mâm
cơm chiều và sau bữa ăn, uống trà, cà phê. Ngồi trong ghế bành, đôi khi
không nói gì, cầm tờ báo lật qua lật lại, thế mà thấy bớt cô đơn trong
lòng yên ổn. Rồi cũng phải về cho gia chủ đi ngủ. Ông ra xe, nỗi buồn
lại dấy lên thấm thiá. Trời đất như rộng thênh thang. Đường về nhà hiu
quạnh. Nghĩ đến căn nhà trống vắng, lòng ông rưng rưng.
Mỗi
khi mở tủ lạnh tìm thức ăn, thấy trống không, chẳng có thứ gì ăn được.
Vài ba cây trái đã đen điu thồi? rữa thối. Mấy bó rau đã đổi màu đen,
khô quéo. Chai nước lọc cũng cạn. Không còn gì. Trong nhà không có bàn
tay đàn bà, thì xem như chẳng còn có cái gì cả. Ông thầm thán phục những
người bạn độc thân. Không biết làm sao họ có thể sống sót đến tuổi già,
mà vẫn vui vẻ, yêu đời, nói cười. Họ đã làm gì cho tiêu tán quãng thời
gian trống rỗng sau giờ tan sở nhỉ?
Như
một thói quen, những chiều tan sở, ông chạy thẳng ra nghĩa địa, thơ
thẩn bên mộ bà. Trong nghĩa địa hoang vắng nầy, ông thấy bớt cô đơn hơn
là về nhà một mình. Cắm vài bông hoa, thắp nén hương. Rồi ngồi trò
chuyện, như khi bà còn sống. Nói đủ thứ chuyện, nói nhiều hơn cả khi ông
bà còn bên nhau. Ông độc thọai, và ông cứ tin ở dưới lòng đất, bà đang
lắng nghe ông tâm sự. Khi có người lạ đi đến gần, ông hơi xấu hổ, nói
nhỏ lại, chỉ thì thầm thôi. Ông sợ thiên hạ lần tưởng ông đau bệnh thần
kinh. Rồi ông hát cho bà nghe. Hát những bài kỷ niệm, mà ngày trước, ông
bà cùng song ca trong những buổi “Karaoke” tổ chức tại nhà bạn bè. Tai
ông, vẫn còn văng vẳng giọng bà thánh thót hoà lẫn với tiếng hát trầm ấm
trên môi ông. Ông hát từ bài nầy qua bài khác đến khô ran cả cổ. Nhiều
khi ông nằm dài trên cỏ, bên tấm bia mộ ngang bằng, nhìn lên trời cao
mênh mông và tưởng tượng có bà đang thân thiết nằm bên cạnh. Nghe được
cả hơi thở của bà. Hơi thở có mùi hương quen thuộc của ngày nào. Ông
thèm nghe vài lời cằn nhằn trách móc của bà.
Khi
bóng đêm bắt đầu phủ xuống trên nghĩa địa, ông mới uể oải đứng dậy ra
về. Ông nấn ná không muốn khu mộ, nhưng vốn yếu bóng viá và sợ ma, không
dám ở lại khi đêm đen bao trùm khu nghĩa địa hoang vắng. Ông thì thầm:
“Ngày mai anh sẽ đến thăm em.” Có những ngày chủ nhật, ông cứ mãi thơ
thẩn quanh khu mộ. Ông nhận ra rằng, bây giờ ông yêu thương yêu vợ hơn
nhiều lần khi bà còn sống. Tình cảm ông tha thiết, nồng nàn hơn xưa rất
nhiều.
Mùa
đông mưa dầm dề, gió thốc từng cơn trên nghĩa địa trống trải, ông trùm
áo mưa, ngồi co ro run rẩy trong buốt giá bên mộ bà. Ngày nghỉ ông ngồi
từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Tâm trí miên man mơ hồ vô định.
Chỉ
mới một năm thôi, ông hốc hác, gầy rộc, vì mãi miết đắm chìm trong
thương nhớ, khổ đau. Nhiều người khuyên ông nên đi bác sĩ tâm lý để điều
trị, để tránh sa vào tình trạng suy sụp trầm trọng.
Ông
nghĩ, bác sĩ cũng không giúp gì được khi trong lòng ông thương nhớ bà.
Bác sĩ không thể làm bà sống lại, không thể làm phép lạ cho ông quên
buồn.
Một
buổi sáng khi nắng vàng rực rỡ nhảy múa trên khu nghĩa địa, gió mát mơn
man cỏ cây, tiếng chim kêu văng vẳng. Ông Tư rầu rĩ mang bó hoa hồng
đến đặt lên mộ bà, định than vãn vài câu cho bớt nỗi buồn thương không
dứt được trong lòng. Ông ngạc nhiên thấy một tờ giấy cuộn tròn trong
bình đựng hoa. Ông giật mình, ô kià, lạ chưa, có nét chữ của bà. Ông mở
tờ giấy ra đọc. Một bài thơ của ai chép tay chữ viết giống hệt nét chữ
bà. Những chữ h, chữ g và cả cách đánh dấu hỏi ngã. Ông run run đọc:
“Đừng
đứng khóc lóc bên mồ em. Bởi em đâu còn dưới đó nữa. Em đang là ngàn
gió bay cao trên đồng nội, là ánh dương quang lóng lánh giữa biển trời.
Em đang tắm trong mưa thu mát dượi. Em đang trên cao, ngàn sao của giải
ngân hà. Và một sáng mai kia, tiếng chim đánh thức anh. Thì hãy biết đó
là tiếng em kêu anh. Thôi đừng khóc bên mồ em, chúng ta sẽ gặp lại nhau
sau…”
Ông
lái xe ra về, lòng nhẹ thênh thang. Con đường có nắng vàng reo vui, cây
cỏ xanh ngắt yêu đời. Tiếng nhạc vui rộn rã vang vang trong xe, ông đã
tìm được ý nghiã cho tháng ngày vắng bóng vợ. Ông tin rằng, nếu chết là
chưa hết, chưa vĩnh viễn tan biến, thì ông sẽ gặp lại bà trong tương
lai, ở một nơi an bình hạnh phúc hơn ở cõi trần thế nầy. Nhưng nếu chết
là hết, là xong, thì cũng khỏe. Bà đã khoẻ, và mai đây ông cũng sẽ theo
bước bà tan vào hư không.
Về
nhà, ông ngồi vào bàn, lập một chương trình sinh hoạt mới cho ngày
tháng còn lại. Trước đây ông không dám về hưu vì sợ cô đơn, sợ không có
việc chi làm bận rộn rồi sinh ra quẩn trí mà phát bệnh. Nhưng bây giờ,
ông đã có một chương trình năng động, phủ kín thời gian trong tuần, còn
sợ không đủ thì giờ để thực hiện. Nhưng không sao, với ông thì thi hành
được chừng năm mươi phần trăm cũng đã là thành công rồi.
Mỗi
sáng ông dậy sớm, đi đến phòng tập thể dục, chạy bộ trên dây?, cử tạ,
bơi lội, tập yoga, tắm nước nóng. Sau đó họp bạn già uống cà phê, bàn
chuyện trời đất thời thế. Về nhà đọc vi thư bạn bè, giải quyết các công
việc lặt vặt. Rồi ngủ ngay một giấc ngắn. Tự nấu nướng lấy, mặc dù có
thể đi ăn tiệm, hoặc mua thức ăn về. Ông học cách nấu ăn trong liên mạng
vi tính. Đọc bốn năm bài dạy khác nhau, rồi chọn lựa, kết hợp, tìm ra
cách nấu hợp với khẩu vị mà ông nghĩ là ngon nhất. Từ đó, ông ghiền xem
truyền hình dạy nấu ăn, Ông nấu được những món ngon tiếp đãi bạn bè.
Có
một bà góa ỡm ờ đề nghị: “Anh nấu ăn ngon thế nầy, mà ăn một mình cũng
buồn và uổng quá. Hay là nấu cơm tháng cho em đi, mỗi ngày tới bữa em
đến ăn. Hôm nào anh bận, thì báo trước, em sẽ đi ăn tiệm.”
Ông cười lịch sự đáp: “Cám ơn chị quá khen và đề nghị. Xin cho tôi suy nghĩ lại, xem có đủ sức phục vụ chị không, rồi sẽ trả lời sau.”
Ông
bóng bẩy nhấn vào hai chữ ‘phục vụ” làm bà kia đỏ mặt e thẹn. Ông không
thể tưởng tượng nổi có người nào đó thay thế được vợ ông. Mỗi khi nói
chuyện thân thiết với bà nào đó, mà trong lòng ông có dấy lên một chút
cảm tình, thì ông thấy như mang tội với người vợ đã khuất, ông đã thiếu
chung thủy. Cứ áy náy mãi.
Ông
tham gia các chương trình du lịch xa, đi chơi trên du thuyền. Ông gặp
nhiều bạn bè, đàn ông, đàn bà, cùng vui chơi. Tham dự các trò đùa tập
thể trên du thuyền. Nhiều bà góa thấy ông cô đơn, nhắm muốn tung lưới
bắt mạng, nhưng ông cũng đủ khôn ngoan để né tránh. Ông nói với bạn bè
rằng, mình già rồi, khôn có lõi, không còn ngu ngơ dại dột như thời trai
trẻ, để nhắm mắt chui đầu vào tròng.
Đôi
khi ông cũng muốn có bạn gái, có chút chất “mái”, dù không làm gì được,
nhưng mơ hồ thấy có sự thăng bằng nào đó trong tâm trí.
Ông
đã cùng bạn bè tham gia các chuyến du lịch xa, Âu Châu, Ấn Độ, Phi
Châu. Bây giờ còn đủ sức để đi, có điều kiện tài chánh thong thả, tham
gia kẻo mai mốt khi yếu bệnh, khỏi luyến tiếc. Đi theo đoàn đông đảo bạn
bè, thì giờ rất sát, eo hẹp, làm ông không kịp nghĩ, kịp buồn.
Trên
du thuyền, gia đình người bạn giới thiệu bà Huyền cho ông, bà đẹp,
duyên dáng, hơi trầm tư, đôi mắt mở to như khi nào cũng ngạc nhiên ngơ
ngác, cánh mũi thon, môi hình trái tim chúm chím. Bà Huyền xa chồng đã
hơn ba năm. Lòng ông Tư mơ hồ dấy lên chút cảm tình vì bà đẹp, hiền
thục, ít nói. Mấy lần hai người ngồi gần nhau trong bữa ăn. Bà Huyền hé
lộ một chút tâm sự riêng tư cho ông nghe, rằng bà may mắn chạy thoát đến
Mỹ vào năm 1975, bà lặn lội thân cò nuôi chồng theo đuổi đại học trong
bao nhiêu năm. Nhờ may mắn trong thương trường, tiền bạc có thời vô như
nước. Gia đình vui vầy tràn đầy hạnh phúc. Rồi tai họa đổ xuống, chồng
bà say mê một cô nhỏ tuổi hơn con gái ông, cô nầy làm công cho cơ sở
thương mãi của gia đình. Ông chồng li dị bà để vui duyên mới. Bà nói
rằng, chẳng trách gì ông, một phần cũng lỗi tại bà không phòng xa, để
cho ông chồng và cô gái có dịp tiếp xúc thường xuyên. Lửa gần rơm thì
phải cháy. Chia đôi gia tài, bà cho ông cơ sở kinh doanh, bà không cần
làm nữa, tài sản có thể sống đến khi già chết.
Ông
Tư cũng cảm mến bà Huyền vì cái giọng nói dịu dàng ngọt ngào, trái tim
nhân áí, và tâm từ bi của bà cùng tấm lòng cao thượng. Khi nhắc đến ông
chồng cũ phản bội mà không thù hận, không gay gắt giận hờn.
Bà
Huyền biết kiên nhẫn lắng nghe, tôn trọng ý của người khác, dù có khi
bất đồng quan điểm. Ông Tư cảm thương cho một người đàn bà biết điều như
thế mà gặp phải hoàn cảnh không may. Cái tình cảm trong lòng ông đâm
mầm nhú mộng êm ái. Đôi khi ông cũng giật mình, sợ trái tim ông yếu
đuối, đổi cái quan hệ bạn bè với bà Huyền thành tình yêu. Ông không muốn
mang mặc cảm phản bội bà vợ bên kia thế giới. Nhưng cũng là chuyện lửa
gần rơm, mối giao hảo thân thiết của ông với bà Huyền càng ngày càng
khắng khít. Đã có vài lần ông toan tính thổ lộ cho bà Huyền mối tình cảm
chân thành của ông, nhưng rồi vốn nhát, nên lại thôi. Ông tự cười, đã
chừng nầy tuổi, trên đầu tóc trắng nhiều hơn tóc đen, mà vẫn còn nhút
nhát như thời mười sáu tuổi. Cuối cùng, chính bà Huyền đã mở đường dẫn
ông vào cuộc tình già. Khi ông đi gần đến quyết định mời bà Huyền về
sống chung, thì bạn bè can gián, cho ông biết bà Huyền là một trong ba
người đàn bà nổi danh đanh đá độc ác nhất của thành phố nầy. Ai cũng
biết, mà chỉ riêng ông Tư không biết mà thôi. Ông không tin một vài
người, nhưng phải tin khi nghe nhiều người khác nói. Ông quyết tâm tìm
hiểu, và vô tình gặp ông Duẫn là người chồng cũ của bà Huyền trong một
buổi họp mặt. Ông lân la đến làm quen. Thấy ông Duẫn hiền khô, không
rượu, không trà, không cả cà phê thuốc lá, và nói năng lịch sự dịu dàng.
Bạn bè lâu năm của ông Duẫn cũng xác nhận anh nầy là một ‘ông Phật
đất’. Hoàn toàn không hề có chuyện gian díu với một người đàn bà nào. Bà
Huyền cũng không nuôi ông Duẫn một ngày trong đời như bà nói, bà đã đặt
chuyện, cứ nói mãi, nên tin là có thật.
Ông Tư mạnh dạn hỏi thẳng Duẫn: “Anh nghĩ sao, nếu tôi cưới bà Huyền, vợ cũ của anh?”
Ông
Duẫn gãi đầu, và nói ngập ngừng: “Ô… ô, không nghĩ sao cả. Đó là chuyện
riêng của bà ấy với anh. Tôi không can dự gì. Chúng tôi đã li hôn lâu
rồi. Tại sao anh hỏi tôi câu đó?”
Ông
Tư hạ giọng: “Không phải tôi xin phép anh, mà tôi muốn hỏi ý kiến của
anh về bà ấy. Nhận xét của riêng tôi, thì bà Huyền là một người đoan
trang, trinh thục, hiểu biết, có trái tim nhân ái. Nhưng theo nhiều
người khác thì đó là một trong ba bà ác độc nhất của thành phố nầy. Có
thật vậy không?”
Ông
chồng cũ của bà Huyền ngững mặt lên trời mà cười ha hả: “Khoan khoan,
đừng nói thế mà tội cho người ta. Phần tôi, nếu không nói tốt cho bà ấy
được, thì cũng không có quyền nói xấu. Tôi không dám có ý kiến gì cả. Có
thể bà ấy không hợp với tôi, nhưng lại hợp với người khác. Có thể tại
tôi bất tài, không tạo được hạnh phúc cho gia đình. Biết đâu, bà ấy với
anh đồng điệu, hai người có thể tạo nên thiên đàng dưới trần thế nầy.”
Ông
Tư ngại ngần và chùn chân, âm thầm lảng xa dần bà Huyền. Bà nầy biết
được ý định, mắng ông Tư một trận nên thân, chưởi ông hèn nhát, bần
tiện, keo kiết, không đáng xách dép cho bà. Ông Tư nghe xỉ vả chưởi mắng
mà mừng húm. May mà chưa có cam kết gì với bà Huyền. Từ đó, ông đâm ra
có thành kiến với bất cứ người đàn bà nào muốn tiếp cận với ông.
Ông
Tư đã hết suy sụp tinh thần, tự tổ chức cho ông một đời sống có ý
nghĩa, có nhiều niềm vui nhỏ nhặt trong đời sống, tránh xa mọi phiền
toái của thế gian. Trong nhà ông treo một tấm biển lớn, chữ viết theo
lối bút họa, ghi lời của một người bạn:
“Có thì vui. Không cũng vui. Được mất đều vui.”
Tràm Cà Mau
Tình cuối
Tôi
viết truyện này vào ngày sinh nhật thứ 72 (Đúng 6 vòng của 12 con giáp).
Sở dĩ tôi gọi là tình cuối vì tôi biết sau khi người yêu tôi chết, tôi sẽ
không thể (còn) yêu ai hoặc được ai yêu nữa.
Thường, người ta hay viết
truyện về những mối tình đầu. Vì mối tình đầu là mối tình khó quên nhất.
Đúng vậy! Ở vào tuổi mới lớn, khi con tim lần đầu biết rung động vì một
ánh mắt, một nụ cười, môt tà áo…làm sao chúng ta có thể quên được những
ngày tháng mộng mơ với một người đẹp.
-Cái thuở ban đầu lưu
luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên
( Thế Lữ )
Nhưng tôi là cái thằng
thích ( nói nôm na ) trật đường rầy. Không thích giống ai nên mới (ti toe)
viết về mối tình cuối.
Đó là mối tình của tôi với
Thúy Hằng, bắt đầu cách đây hơn 15 năm. Thúy Hằng thua tôi 7 tuổi, tôi li
dị vợ, nàng rẽ gánh chia tay chồng. Người đời thường gọi những mối tình
như thế là..Rổ rá cặp lại.
Mà đúng thiệt. Tôi với
nàng là hai cuộc đời bị bể, bể tanh banh, bể tan tành thành nhiều mảnh
vụn. Cố gắng lắm, cố gắng mệt nghỉ, cố gắng tối đa mới ráp lại được với
nhau thành một cặp. Không gọi là rổ rá cặp lai thì gọi bằng cái chi nữa
cha ( nội )?
Sở dĩ
tôi viết là cố gắng lắm, cố gắng tối đa, mệt nghỉ vì cuôc tình của chúng
tôi ban đầu cũng không suôn sẻ gì cho cam.
Tôi li dị vợ thì xong rồi. Trước khi gặp lại Thúy Hằng
thì tôi cũng có ( lai rai ) vài mối tìnhới những người đàn bà ( hoặc )
chồng chết, ( hoặc ) li dị. Những mối tình đó đã đưa đẩy tôi lang thang
qua nhiều tiểu bang của Mỹ.
Thúy Hằng ngược lại, sau
khi chia tay với chồng thì có người yêu cũ tìm đến.
Người yêu cũ của
nàng vốn là một anh Tàu lai tên Triết, có giấy tờ chứng minh (gốc Tầu)
đàng hoàng. Nhờ có giấy tờ nên anh ta được nhà nước cộng sản Việt Nam „ưu
ái“ cho về nước sau khi chiến tranh Trung Việt ở biên giới phía Bắc nổ ra.
Dùng chữ Cho Về Nước là chính quyền cộng sản Việt Nam hí lộng ngôn từ,
chứng tỏ tính ưu việt của đảng ta thôi. Thật ra đây là âm mưu nhằm ăn cướp
tài sản, nhà cửa, tiền bạc... của người Tàu và tống xuất họ ra khỏi Việt
Nam một cách hợp lý, hợp tình và ( cũng ) hợp pháp luôn, đi đâu thì
đi.
Để
được „ ưu ái „ Triết phải đóng đủ 12 lượng vàng, - loại vàng Kim Thành 24
cara, ngôn ngữ bình dân gọi là cây, mặc dù nó chỉ có hình chữ nhật 4x8 cm,
mỏng tanh, nặng chừng 37,5 gram, - trước khi bước chân lên những con
thuyền nhỏ, mong manh, nhét người chật cứng như cá hộp Sạc Đin Nờ, được
đẩy ra khỏi hải phân Việt Nam rồi...muốn trôi đi đâu thì đi, nhà nước cộng
sản VN hổng chịu trách nhiệm ( à nghen! ).
Nhờ
hai gia đình ở gần nhau trong Chợ Lón, Thúy Hằng và Triết quen biết nhau
từ lúc còn nhỏ, từ khi...xưa đôi ta bé ta ngu, đem dây thung ta quấn con
cu..., con cu sưng ta khóc hu hu... Triết hơn Thúy Hằng 4
tuổi.
Cuối
năm 1978, khi nghe phong thanh chương trình vượt biên bán chính thức của
người Tàu do Triết tiết lộ, gia đình Thúy Hằng tìm cách „gửi gấm“ nàng
theo Triết.
Trong
thời gian chuẩn bị, Triết tìm được đường dây làm giấy tờ giả cho Thúy
Hằng. Trong lúc chờ đợi, nàng cũng nhờ Triết dạy cấp tốc một số tiếng Tàu
cần thiết để lúc ra đi có bị hạch hỏi cũng dễ dàng lọt thoát phần
nào.
Triết
nhà giàu, khá bảnh trai, ăn nói nhỏ nhẹ. Thấy nhà Triết có piano, sau
những giờ học tiếng Tàu, Hằng thường chơi piano cho Triết nghe. Nhờ học
đàn piano từ lúc 5 tuổi đến khi cộng sản chiếm miền Nam nên Thúy Hằng đánh
đàn piano, tài nghệ dù chưa đạt được ( đỉnh cao chói lọi ) như Đặng Thái
Sơn nhưng nghe cũng lọt lỗ nhĩ và nếu gặp may ( không chừng ) có thể trình
diễn ở Carnegie Hall, New York City.
Nhưng
rồi cuộc gửi gấm Thúy Hằng không thành vì chờ đợi lâu quá. Gia đình Thúy
Hằng bèn quyết định tự đóng ghe, mua bến, lo lót công an, và đi thoát
trước khi Triết ra đi. Mối tình hai người tan vỡ vì không còn tin tức,
liên lạc được với nhau. Đó là chuyện khi xưa đôi ta bé...
Trở
lại chuyện nay, hai cái rổ rá rách teng beng Triết, Thúy Hằng cặp lại,
không khớp với nhau nên bị bung ra chỉ sau một thời gian ngắn chưa tới 2
tháng.
Theo
lời một người quen ( dĩ nhiên là quen, lạ làm sao biết? ) của Thúy Hằng kể
lại, Triết biết Thúy Hằng sau khi chia tay với chồng có được một món tiền,
đâu khoảng hơn 100.000 Du Ét Đi nhờ bán căn nhà hai vợ chồng mua 15 năm
trước, cưa đôi, nên rù quến Thúy Hằng về VN làm ăn, buôn bán chi
đó.
Chắc
vì sợ rủi ro, bất trắc, mất tiền, hơn nữa qua đọc báo, biết được những vụ
người Việt gốc Ngu ở hải ngoại đem tiền về Việt Nam làm ăn như vua chả giò
Trịnh Vĩnh Bình hoặc Trần Trường ( tức cha Nhẫn Hòa của Thiền Vô Vi với
giáo chủ Lương Sĩ Hằng. Khoảng năm 1998 thì phải, cha Nhẫn Hòa này chơi
bạo lấy tiếng ngu, treo hình Hồ Chí Minh trong tiệm cho thuê Video bị
khoảng 50.000 người Việt ở O-Ren-Giờ-Cao-Ti biểu tình chống đối, phải dẹp
tiệm và bị phạt vì chơi băng lậu) nên Thúy Hằng từ chối kế hoạch làm giàu
do Triết vẽ ra. Thế là Triết bất mãn, không mặn mà chuyện cặp lại rổ với
nàng nữa. Thúy Hằng buồn bã vì vừa đá vỏ dưa văng xa hơn 300 thước thì lại
đạp ( nhằm ) vỏ dừa.
Đúng
vào lúc đó thì tôi gặp lại Thúy Hằng trong một bữa ăn tối ở nhà một người
bạn. Trước đây, tôi và nàng chỉ quen biết nhau nhưng ít khi liên lạc với
nhau, vì không thân và ở cách xa nhau.
Sau
bữa ăn tối định mệnh ( đã an bài ) đó, tôi và nàng liên lạc gọi phôn, chát
trên sờ-kai-pê càng ngày càng lâu, thường xuyên hơn. Nàng coi tôi như một
cái thùng Rì-sai-cồ, có nơi ( đổ rác ) kể lể những chuyện đau buồn, khổ
sở, không hạnh phúc.. với người chồng cũ.
Tôi
hiểu tâm trạng Thúy Hằng nên an ủi nàng, rồi chẳng hiểu ma đưa lối, quỉ
dẫn đường, tôi yêu nàng lúc nào không hay. Sau hơn 4 tháng tâm sự ( loài
cua biển ) chán chê, chúng tôi hẹn gặp nhau đi ăn tối ( lại ăn tối ) rồi
đi coi phim, tức là là đi coi hát bóng.
Bữa
đó nhằm tối chủ nhật, ăn xong tụi tôi vào rạp AMC ở Eastridge, San Hố Dề.
Chắc nhằm ngày lành, tháng tốt nên rạp vắng vẻ, có đâu chừng 7-8 cặp ngồi
rải rác. Tụi tôi chọn hàng ghế trên cùng, không có ai. Ở hàng ghế đó ta có
thể thấy địch mà địch sẽ không thấy ta ( nếu không quay đầu lại
).
Hai
đứa tôi ngồi sát bên nhau. Chẳng hiểu có phải do 2 ly bồ đào tửu ( Red
Wine ) uống trong bữa ăn với nàng hay do mùi nước bông thơm ngọt như đường
mía lau của Thúy Hằng mà khi đèn vừa tắt chừng 10 phút, màn ảnh còn đang
chiếu quảng cáo, tôi bạo dạn choàng tay qua ôm vai nàng, ghé sát tai nàng
thì thầm:
-Anh
thích mùi nước bông em dùng ghê!.
Thúy
Hằng chẳng những không phản đối mà còn quay mặt qua phía tôi cười
nhẹ:
-Vậy
mai mốt đi với anh, em sẽ xài loại này.
Mèng
ơi! Nghe câu nói ngọt như đường cát, mát như đường phèn của nàng mà tôi
sướng đến run rẩy cả người. Hai khuôn mặt kề sát nhau khiến tôi cầm lòng
không đặng, thế là chúng tôi mi nhau.
Sau
bữa đi coi phinh mùi mẫn đó, Thúy Hằng đề nghị tôi dọn về ở chung với nàng
để... chia tiền nhà, tiền điện nước, tiền rác... Tôi xin nàng một tuần lễ
để... „ động não“ suy tính hơn thiệt.
Sau
mấy ngày suy nghĩ đến mất ngủ ( đêm năm canh chỉ ngủ có canh đầu, bốn canh
sau buồn rầu nên ngủ quên ), tôi đồng ý dọn về ở chung với nàng. Sở dĩ tôi
nói suy nghĩ vì ( bản tính ) tôi là một thằng thích tự do, phải so sánh
cái được ( lợi ), cái mất ( hại ) khi ở chung với nhau. Cuối cùng thấy cái
được nhỉnh hơn cái mất chút đỉnh nên tôi Ô kê Sa Lem.
Nhưng
cuộc đời không hề đơn giản như đang giỡn mà vô cùng phức tạp, rắc rối, rắc
rối to, rắc rối lớn là khác. Nói rắc rối và phức tạp vì chưa ở chung thì
không thấy, ở chung rồi thì mới có những cái pra-bờ-lầm mà cho dù là có
tài tiên đoán như Khổng Minh, có tái thế cũng không có cách chi thấy trước
đặng.
Như
vừa nói ở trên, tôi là thằng thích tự do. Bởi thích tự do nên khi sống
mình ên, tôi không sắm sửa nhiều đồ đạc làm chi, tôi lại luôn có phương
châm sống, học được sau hơn 6 năm sống dưới chế độ cộng sản VN: -Tăng thu,
giảm chi, tích cực cầm nhầm.
Bởi
vậy, bữa sáng tôi dọn đồ đạc về ở với Thúy Hằng, nàng đã ngạc nhiên tột
cùng khi tôi đến bấm chuông cửa nhà, chỉ xách theo có một cái va li. Nàng
nhìn tôi, ngơ ngác:
-Anh
không có đồ đạc gì sao?
Tôi
chỉ cái va li:
-Đây
nè! Em không thấy sao?
Thúy
Hằng ngập ngừng:
-Ý em
nói là...bàn ghế, đồ trang trí...“nội thất“...giường, tủ, sách,
báo...
Tôi
lắc đầu:
-Không! Anh hay di
chuyển, đổi chổ ở nên không sắm gì cả. Còn đồ „nội thất“ toàn của chủ nhà
cho thuê.
Đến
đây cần phải nói rõ thêm. Thời gian đó tôi đang „se phòng„, chủ nhà có
giao hẹn không được dẫn bạn gái về nên tôi chưa bao giờ hẹn nàng chỗ mình
ở. Chúng tôi chỉ hẹn hò, gặp gỡ nhau ở nhà nàng. Sau khi li dị, Thúy Hắng
thuê được một áp-pạc-tơ-măng 2 phòng ngủ khang trang ở khu Willow Glen với
giá (tình cảm) khá rẻ, chỉ bằng nửa giá thị trường, của người chị là Bờ
rốc cờ, có nhiều apartment cho thuê.
Thúy
Hằng có vẻ suy nghĩ nhưng không nói gì thêm, lẳng lặng dẫn tôi lên phòng
ngủ, xếp quần áo của tôi trong cái va li vào chung tủ của
nàng.
Buổi
chiều hôm đó, ăn cơm xong, Thúy Hằng rủ tôi ra quán cà phê Gót Hồng ở
đường Tully uống nước, tâm sự. Gọi là tâm sư cho văn vẻ chứ thật ra tôi
biết ý nàng muốn nói đến chuyện...Tiền là tiền nhiều khi không ...mà có,
tiền là tiền nhiều lúc có... như không... Đúng như tôi đoán, sau khi „xử
lý, dứt điểm“ một ly sâm bổ lượng Thúy Hằng nói: -Anh về ở với em, mỗi
tháng anh nên phụ em (chút đỉnh) chuyện tài chính. Tôi mỉm cười, không
biết cái chút đỉnh của nàng định nói là bao nhiêu: -Đương nhiên rồi! Trước
đây anh „se phòng“ bao nhiêu thì bây giờ anh đưa em bấy nhiêu, cộng thêm
tiền chơ nữa..
Thúy
Hằng cầm tay tôi: -Tiền chợ anh không cần đưa. Anh đi làm trễ, em nhờ anh
đưa con gái em đến trường, thay vì thuê người chở cũng tốn kém. Anh giữ
tiền đó đổ xăng, đưa đón con gái em đi học. Mọi chi tiêu khác như đi coi
phim, ăn nhà hàng, du lịch ...mình chai hia. Thúy Hằng tính toán quá ư hơp
lý, hợp tình, hợp đạo nghĩa (góp gạo thổi cơm chung). Tôi đồng ý cái
rụp.
Vấn
đề gai góc nhất đã được đôi bên „chủ động“ thỏa thuận êm đẹp, thoải mái,
thân thiện, thắm đượm tình đồng chí, đồng sàng. Tuy nhiên chỉ ít ngày sau,
vài sự cố „nổi cộm“ khác mới bị „phát hiện“ mà phải động não cực mới „phát
kiến“ giải quyết được ván đè. Cái sự cố „ nổi cộm“ đầu tiên là do tôi „sở
hữu„ một tật ngáy ít người có. Thật ra công tâm mà nói, tôi ngáy không lớn
lắm, chỉ như là...gọi đò sang sông thôi. Thời gian đầu còn vui vì lửa mới
bén, củi, rơm còn đang cháy đỏ... kêu lách tách, Thúy Hằng không nghe tôi
ngáy, nhưng chỉ ít lâu sau nàng trở nên mất ngủ vì tiếng ngáy của tôi.
Nhiều đêm khoảng 2-3 giờ sáng, bị đánh thức bởi tiếng gọi đò của tôi,
không ngủ lại được, nàng đành ôm mền gối ra sa lông ngủ, tôi không biết.
Sáng nàng dậy trước, đi làm trước nên tôi không „phát hiện“ được vấn
đề.
Cho
đến một hôm, có lẽ „bức xúc“ quá chịu không nổi, Thúy Hằng đem chuyện ngáy
của tôi ra đấu tố, bắt tôi phải đấu tranh tư tưởng với thế lực phản động
chủ tâm phá hoại giấc ngủ (hòa bình) của nàng. Sau khi trình bày, lật tới,
lật lui, lật xuôi, lật ngược..., dùng ánh sáng Mác-Lê soi rọi vào tất cả
các vùng kín, vùng sâu, vùng xa của vấn đề, tôi thành khẩn nhận khuyết
điểm, cam kết sẽ không phá rối giấc ngủ của Thúy Hằng bằng cách...sẽ ra
ngủ riêng ở sa lông trừ khi...nàng cho vời.
Vấn
đề thứ hai là chuyện đưa đón con gái của Thúy Hằng đi học. Con bé tên
Mimi, 15 tuổi, xinh đẹp, thông minh, học giỏi nhưng có tật ngủ dậy trễ.
Thường 8:15g sáng vào học, từ nhà đến trường mất khoảng 15-20´ nếu không
bị „ùn tắc“ giao thông. Tôi thường chở nó ra khỏi nhà vào lúc 7:45g. Thúy
Hằng dặn đánh thức con bé vào lúc 7:15, cho nó 30´ sửa soạn vệ sinh cá
nhân, làm thức ăn sáng mang theo. Mấy ngày đầu Mimi còn đúng giờ, nhưng
không hiểu sao chỉ được chừng hơn tuần lễ con bé trở chứng, gọi dậy lúc
7:15g thì phải 20´ sau nó mới ra khỏi phòng, thành ra bữa nào tời trường
nó cũng vội vã để rồi quên mang thức ăn sáng theo.
Tôi
không phải bố nó nên không biết giải quyết làm sao. Đem chuyện nói với
Thúy Hằng, nàng nói tôi làm sẵn thức ăn sáng cho nó. Khổ một điều là buổi
tối hỏi nó ăn gì để tôi biết mà chuẩn bị, nhưng nhiều lúc tôi cũng quên,
nên nhiều khi tôi cứ làm bánh mì kẹp thịt, chả lụa ...theo ý
mình.
Cho
đến môt hôm tôi được nghỉ làm, đi đón Mimi, về đến nhà nó quăng cái
backpack lên ghế salon rồi đi vào phòng riêng. Tôi ngồi xuống bên cạnh,
chợt ngửi thấy mùi thum thủm, chua chua..., nhìn quanh không thấy gì lạ
tôi bèn ghé mũi vào cái cặp đeo lưng của Mimi mới „phát hiện“ cái mùi khó
ngửi phát ra từ đó.
Tôi
gọi Mimi ra, nói nó mở ra để xem cái gì bên trong mà bốc mùi như vậy. Hóa
ra đó là mấy phần ăn sáng mà nó không ăn nhưng không vứt đi, để lâu quá,
lại có cà rốt ngâm dấm nên bốc mùi dữ.
Làm
sạch, khử mùi cái backpack cho Mimi xong, tôi nói với nó là sẽ không làm
thức ăn sáng cho nó nữa, con bé đồng ý.
Cái
„nổi cộm“ thứ ba cũng ác liệt không kém, nhưng không nằm nơi tôi mà ở Thúy
Hằng, đó là bệnh hay quên. Bệnh hay quên của Thúy Hằng không dính dáng gì
đến bệnh Đề-men-ti-a hay An-dờ-hai-mơ hết, bởi nàng chỉ quên những
lúc...cần nhớ nhất như... trả tiền khi đi chợ, sóp-ping, biu điện
thoại...
Tiền
nhà, điện nước (cũng may) nàng để cho nhà băng chạc thẳng vào ờ-cao nên
tôi không thắc mắc chi cho lắm. Cái nổi cộm này làm cho tôi khá nhức đầu,
mỗi lần đi chợ mua thức ăn, đẩy xe ra tính tiền, khi vừa đến lúc trả tiền
là thế nào nàng cũng nói quên một hai thứ để chạy vào trong lấy. Không thể
chờ được nên tôi đành phải móc thẻ nhà băng ra cà. Lúc trở ra, thấy tôi đã
đẩy xe ra ngoài, Thúy Hằng cười hồn nhiên: -Ủa? Anh trả tiền rồi hả? Lát
về nhà em đưa lại. Nhưng cái „lát về“ đó chưa bao giờ xẩy ra. Nghĩ tiền
chợ không bao nhiêu, nhiều lắm chừng 300 Du Ét Đi mỗi tháng nên tôi cũng (
ráng nhịn ) không kêu ca gì, coi như... cúng (cô hồn) rằm tháng bẩy thôi.
Hơn nữa thỉnh thoảng Thúy Hằng cũng dành trà tiền tụi tôi đi coi phinh, ăn
kem, ăn nhà hàng hay đi chơi xa mà không đòi chai hia...
Tôi
cứ để như thế hơn 2 năm, 7 tháng không nói gì. Cho đến một ngày kia thấy
Thúy Hằng làm quá, chịu hết nổi tôi đành phải đem chuyện „lát về“ ra nói.
Thúy Hằng tròn mắt: -Ủa? Em cứ tưởng có trả anh lại rồi chứ! Nhìn cặp mắt
bồ câu, con đậu con bay, ngây thơ vô (số) tội của Thúy Hằng, tôi cười: -Em
mới 50 tuổi chứ có phải 80 đâu mà dễ tưởng vậy?
Thúy
Hằng không nói gì, yên lặng nhìn tôi cả phút đồng hồ rồi bất chợt đứng
lên, vào trong phòng ngủ lấy ra một cái hộp hình chữ nhật cỡ khoảng 3 bao
thuốc 555 gói giấy vàng, cột nơ thật đẹp và một cái bao thơ lớn, dầy cộm,
màu vàng, loại dùng để gửi những bưu kiện nhỏ, đặt xuống trước mặt tôi.
Thấy tôi đưa mắt dò hỏi, Thúy Hằng mỉm cười, trút trong bao thơ ra mấy xấp
biu đi chợ, mua hàng được bấm dính với nhau bằng Tắc-cơ. Tôi ngạc nhiên
nhìn: -Biu gì vậy? -Biu anh trả tiền chơ, điện thoại, sóp-ping... chứ biu
gì? Em giữ lại hết ở đây, cộng lại, tất cả gần 4 ngàn đô la. Em dùng số
tiền đó, mua cho anh cái đồng hồ Omega Speedmaster Professional Moonwatch
làm quà sinh nhật cho anh ngày mai. Anh có thể mở ra coi bây
giờ.
Tôi
cảm động nhìn Thúy Hằng ngẩn ngơ, không biết nói gì. Hóa ra nàng cố ý
không trả lại tiền chợ cho tôi cũng có mục đích.
Từ
ngày về chung sống với nhau, thông thường tới sinh nhật của nàng hay tôi,
chúng tôi rất ít khi tổ chức, chỉ rủ vài người bạn đi ăn tối cho vui tại
một nhà hàng nào đó, cũng không nói trước lý do, sợ họ mua quà tặng thì
lại phiền. Chúng tôi chỉ tặng nhau những món quà như sợi dây chuyền nhỏ,
cái vòng cẩm thạch, cái cà vạt, chiếc áo pull-over..., những món quà chưa
bao giờ có giá trị tới 100 Du Ét Đi.
Hai
đứa tôi ngồi yên lặng nhìn nhau đến mấy phút, tôi nắm tay nàng kéo qua
ngồi cạnh rồi mới mở chiếc hộp ra. Cầm chiếc đống hồ luxury đẹp và sang
đeo vào tay, thật vừa vặn, vừa như hai cái rổ rách được cặp lại thật khít
khao như rổ mới.
Tụi
tôi ở với nhau tới giờ đã được 15 năm. Con gái nàng đã ra trường, đi làm ở
riêng, tụi tôi mỗi đứa một phòng, tối ngủ đóng cửa nên tôi có ngáy cỡ nào
Thúy Hằng cũng chẳng nghe.
Tụi
tôi đã dùng chung Ờ Cao, in-côm hai đứa đổ chung vào một mối, không còn so
đo, thắc mắc chia hai, hay chai hia nữa, bởi tôi và nàng đều nhận thấy
tiền bạc lúc về già cũng chẳng còn ý nghĩa gì nhiều, không có đủ để sống
thì cũng khổ nhưng tình cảm quan trọng hơn nhiều.
Tuổi
già, người ta cần sự thương yêu, chăm sóc cho nhau đến khi xuôi sáu tấm
nhiều hơn là tiền bạc, nếu không thiếu thốn thì đừng quan tâm đến nó, cũng
đừng nghĩ đến chuyện để dành cho con cái. Chúng nó có đời sống riêng và
cũng không cần đến tiền bạc của cha mẹ để lại.
Do đó
tôi mới gọi mối tình của tôi và Thúy Hằng là tình cuối. Nếu một trong hai
người ra đi trước, người còn lại chắc cũng khó mà kiếm được cái rổ nào có
thể cặp lại với mình bởi vì nó đã tả tơi quá cỡ thợ mộc rồi, khó lòng mà
cặp lại được.
Thạch
Đạt Lang
Friday, June 5, 2015
Video Mẹ ơi ! Con đã về ! 40 năm tìm lại gia đình đã mất
Video Video
I
came over in 1975 along with thousands of other orphans; we came to
America, France, Australia and many other countries. It was the end of
democracy and freedom, and a fate worse than death for abandoned
children. Thankfully, many of us were rescued and given a second chance
at life. First Generation of Vietnamese Adoptees is a non-profit
organization and was created to help Vietnamese adoptees, orphans
and Amerasians (those born to U.S. military fathers and Vietnamese
mothers) create a community to come together as a family, to bond with
others who have been through similar situations and to receive services
we can provide them.
First Generation of Vietnamese Adoptees is a non-profit organization and was created to help Vietnamese adoptees, orphans and Amerasians (those born to U.S. military fathers and Vietnamese mothers) create a community to come together as a family, to bond with others who have been through similar situations and to receive services we can provide them.
One of the services FGVNA provides, are reunions for Vietnamese adoptees that were born during the Vietnam War, which we hold every five years. The experience and friendships that adoptees and their families encounter during these reunions are priceless! The reunions include adoption agency workers, volunteers, Vietnam Vets and parents that were part of the mission to save the orphans during the war. It is open to adoptees and their families, no matter what agency they originally came through. The activities included throughout the weekend are for all ages, such as hiking, Vietnamese cooking, dancing, crafts, ceremonies and much more that focus on learning more about their Motherland.
Another service FGVNA provides is travel assistance for adoptees that do not have the financially ability to return to Vietnam for the first time. They experience the culture they came from and see the hospitals or orphanages they called home for a short time. It is a life changing experience to see the beauty of their Motherland as well as open or close some doors to the past and present. We provide airline tickets and, accommodations when possible.
The third service FGVNA provides is funding for DNA testing. These tests are for adoptees, orphans, as well as biological parents. Many adoptees are interested in searching for their birth parents. Some are mixed race adoptees that would like to find their fathers who were soldiers in the war. There are many biological mothers and some fathers in Vietnam desperately wanting to find their grown children, but cannot afford the cost of a DNA test. We provide the test kits and cost of the processing them.
The last service is to help supply current orphanages in Vietnam with every day needs for their oprhans: clothing, formula, baby cereal, food, diapers, toys, etc.
First Generation of Vietnamese Adoptees is a non-profit organization and was created to help Vietnamese adoptees, orphans and Amerasians (those born to U.S. military fathers and Vietnamese mothers) create a community to come together as a family, to bond with others who have been through similar situations and to receive services we can provide them.
One of the services FGVNA provides, are reunions for Vietnamese adoptees that were born during the Vietnam War, which we hold every five years. The experience and friendships that adoptees and their families encounter during these reunions are priceless! The reunions include adoption agency workers, volunteers, Vietnam Vets and parents that were part of the mission to save the orphans during the war. It is open to adoptees and their families, no matter what agency they originally came through. The activities included throughout the weekend are for all ages, such as hiking, Vietnamese cooking, dancing, crafts, ceremonies and much more that focus on learning more about their Motherland.
Another service FGVNA provides is travel assistance for adoptees that do not have the financially ability to return to Vietnam for the first time. They experience the culture they came from and see the hospitals or orphanages they called home for a short time. It is a life changing experience to see the beauty of their Motherland as well as open or close some doors to the past and present. We provide airline tickets and, accommodations when possible.
The third service FGVNA provides is funding for DNA testing. These tests are for adoptees, orphans, as well as biological parents. Many adoptees are interested in searching for their birth parents. Some are mixed race adoptees that would like to find their fathers who were soldiers in the war. There are many biological mothers and some fathers in Vietnam desperately wanting to find their grown children, but cannot afford the cost of a DNA test. We provide the test kits and cost of the processing them.
The last service is to help supply current orphanages in Vietnam with every day needs for their oprhans: clothing, formula, baby cereal, food, diapers, toys, etc.
If you have questions, please contact us by message, email (firstgenofvnadoptees@live.com) or phone THANK YOU SO MUCH!
Stacy Thuy MeredithVN Adoptee – Colorado, USA
If you don't know my story - please read below:
Written in 2000
My name is Stacy Thuy Meredith, and this is my story...
My mother’s name was Ngo Thi Diep; She was a 19 year old Vietnamese girl from the City of Can Tho. She left Can Tho without the permission of her parents and went to Saigon to work as a clerk in a bar. During her stay in Saigon, she met an American Soldier with whom she had a personal relationship and even lived with for a short time. The American soldier (my father), apparently left her and returned to the States during her pregnancy. I don’t know if he really went back to the States or was even aware that she was pregnant, or that he left because she was pregnant and didn’t want the fatherly responsibility. On July 22, 1972, she had a daughter; naming me Ngo Thi Ngoc Thuy. I was born in a Hospital in Saigon, at 284 Cong Quynh.
Maybe family honor, or fear of the family disowning her, she hired a woman to help raise me in a remote province, so her family would not know about me. When I was 25 months old, she decided that she could no longer take care of me. On August 23, 1974, she brought me to the Holt Nutrition Center. Shortly after I was put with a Foster Family. My foster Mother was married to an MP Officer and had five children of their own. I lived with them until I was put on Northwest Airlines, Flight 6 out of Saigon; arriving in Anchorage, Alaska on March 6, 1975 at 6:30 A.M. My new parents, and new brothers were there awaiting my arrival. They had chosen the name Stacy Thuy; keeping my Vietnamese first name as my new middle name.
I would like to say it was happily ever after from then on, but I can not. My childhood was a struggle of survival and it wasn’t until my adulthood that life and my adoption, became a blessing.
My adoptive father was an Air force Pilot and flew in the Vietnam War. My adoptive mother had two biological boys, and decided to adopt a girl, after two miscarriages. Maybe my father’s intentions were good, and he really wanted to adopt a daughter. Sometimes I wonder if he struggled from postwar memories and it caused him to resent me. His reasons I will never know, but the scars he left me with, will never go away.
As a child, I struggled with severe nightmares which would cause me to scream, sweat and even sleep walk on occasion. My mom described my scream to be so horrific, that it would sound like someone was physically attacking me. When I was awake, I would even get upset if I heard the sounds of a siren from a fire truck or even the sound of a tea pot whistling. She said I would become hysterical, then run and hide under the kitchen table or my bed. The nightmares continued for years into my young teenage years, until I began seeing a Dream Psychologist who help interpret my dreams.
He said my dreams were so detailed and I knew too much info that many of them were probably actual things I had experienced as a baby prior to arriving at the Orphanage. They began to subside after working through my fears. I struggled with the prejudices of looking different from my family. People would come up and make remarks such as, “Is that really your child too?”. I struggled living in an all white community wherever we moved; little kids coming up to me with their eyes pushed back and chanting slang remarks towards me. The weird thing is, my eyes are round like a Caucasian. I was under the assumption as a child, that my biological mother gave me up because she didn’t love me.
At home through my entire childhood, I was physically beaten by my father and brothers; repeatedly told ” I am the Devil and no one wanted me.” I felt that there was something terribly wrong with me; no one loved me or wanted me. I felt it was my fault and wished I’d never been born; at age 8, I tried to kill myself with a knife.
As a teenager, things got progressively worse. Once my school discovered the abuse, that began a vicious cycle of being placed in and out of foster homes; making my father more abusive with each return home. I avoided reality through drugs, loud music, skipping school and running away from home. I was placed in and out of Hospitals for suicidal thoughts and attempts. At age 17, I took a bottle of antidepressants (about 100 pills). The doctors said I shouldn’t have survived. I hated God and really had lost all faith that there was a God, at least a God that I should love and be grateful to. If he did have a plan for me, it sure was hard to understand his plan and even appreciate it. He put me through HELL to get to where I am, and I am not thankful for that. I hated him even more for keeping me alive and not letting me end the pain.
It took many years for me to believe again, and return to the church; I believe now, that God had a future planned for me and wasn’t going to let me go just yet. I am thankful for that, but I am still not thankful for the childhood I was given. When I was 18, my father was trying to strangle me; a friend walked up to the house just at that moment to carry me to safety. I immediately dropped out of High School, got my GED, moved out of the house and found work to support myself.
January 18, 1991, I met my future husband. The very first night I met him, I knew in my heart he was the one. This was the turning point of my life; this is what God had waiting for me. Unfortunately I was addicted to cocaine at the time. I wasn’t about to lose the first good thing that had happened to me in my life. I admitted myself into rehab a few months later. He stood by me every step of the way; we married 2 ½ years later.
We have two wonderful children, which we are devoted to raise with all the love and structure I did not get. I am a full time Mom and wife, and I do Day Care in my home to help. My husband is an incredible husband; which my girlfriends are always envious. He is a devoted father who is never too tired to play and spend time with his children. We’ve been together for 9 ½ years and life is the greatest thing that happened to me. To think, I struggled for so many years wondering why I was even alive. I felt so alone and my life seemed meaningless; to want to die and feel no one would even miss me. Now, each day I am so grateful that God knew there was so much still for me to experience…..to live! I look at the family I have now with my husband and realize I am where I am suppose to be. There is no sense of not belonging; I would not have this if not for being adopted. If I had to go through all of that to get here, it was worth it. I would not want to go through it again, but I think that the obstacles and challenges in my childhood may have helped me become a more strong-willed person, and appreciate just how wonderful life can be. To help with some closure in my life, my oldest brother (Shawn), apologized about 10 years ago for the way he treated me when we were children. Since then, we have a closer relationship and my children adore him.
Another closure came when my Mother came to me a couple years ago and apologized for not being the “Mother” I needed her to be. She said she regretted turning away when she knew what was happening to me, but felt she was too weak of a person to do anything. I feel sorry for my Mother, but I give her so much respect coming to me to say those things. Our relationship has grown so close and is finally the relationship I have always wanted it to be.
January 2000 I received a letter in the mail from Holt International. It was an invitation to a Reunion for the first Generation of Vietnamese adoptees prior to the Fall of Saigon April 30th, 1975. At first I made the decision not to go for financial reasons. We had worked so hard to get out of debt the year before and had just paid off everything, but didn’t have any extra money yet. I didn’t want to set us back again for my selfish reasons. My Mother said that I couldn’t miss this and I’d regret it forever if I didn’t go. Between her and my brothers, our trip for two to Baltimore was paid for and we were on a way!
As April came closer and we prepared for our trip; my journey down a new path laid ahead. I was finally going to meet others “like me” for the first time. I wondered if they had gone through similar experiences as me growing up as a child, or if they were all going to have happy stories with happy endings. I wondered if we would have a connection with each other, even though we’d never really met, or if it was going to be awkward and distant. A couple days before our trip, I began to experience a huge range of emotions returning, that I had not in a long time. Whenever I had talked about my past in the previous years, it had brought me to tears. This too was having the same affect. Maybe because I felt this was the only way I would get to connect with my Vietnamese heritage…… I have now learned, this is not so.
The reunion was an incredible experience for me as well as my husband. He was able to share a part of me that was so deep and personal that he had never done before. We met so many wonderful people; adoptees and others who had first hand experiences with adoptees and our journey to the States. The connection with the other adoptees was so intense. It was like we had found lost siblings from years past and being reunited once again. It was a time for many to give thanks for adoption, and a few to still question whether the adoption experience was a good thing. It was a chance to share our similar experiences of childhood uncertainties and success stories. It was a weekend of making special long lasting friendships that will last I lifetime. All of it went well for me though I had trouble speaking with the parents who attended; asking me questions about my adoption. I had a Mom come up to me and chat. She just kept saying that I should be thankful for my adoption and that my parents did the best they could.
If my father beating me for 16 years, and my Mom turning her back instead of protecting me and act as if nothing was happening to me, is the best, then that is a distorted definition of “best”. I believe in God, and I have come to terms with him. I have gone on with my life and have a wonderful one at that one, but the baggage is still there, the wounds are still there, and always will be. I decided not to talk with other parents about my adoption, because they didn’t want to here the truth about how many “lives after adoption” really were; they wanted to hear the happy stories. The Reunion also gave of us the opportunity to hear success stories of adoptees who traveled back to our mother land and found their biological families. This helped me to decide that it was time to search for my biological mother and journey back to Vietnam.
Recently I began the search for my biological mother. I am still in the very beginning stages of the search; a lot of paperwork. The reason for my search is not to “replace my mother”; I already have one. It’s not to find a sense of belonging; I have that too. I‘ve decided to search for her for me and my family. I want to learn about the “mother land” I came from. I want my children and husband to learn too about the place on the other side of the world that a little frighten and lost child came from. A place where the people look different, speak different and have a way of life unfamiliar to us. I want to meet my Mother to thank her for trying her best and giving me up when she felt she couldn’t give me what I needed.
To my mother who gave me life; thank you and I hope someday we can be reunited. To my mother who adopted me; thank you for your love and support over the last few years. Thank you for apologizing for my childhood; that was an incredible step for you and for our relationship. You are my one true Mom and no one can take that from you…I love you.
My journey has only just begun…….
Subscribe to:
Posts (Atom)